Theo quy định của bộ này, 6 vị thứ trưởng, 5 tổng cục trưởng  của Bộ Tài chính nhận khoán kinh phí đưa đón từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại với số tiền từ 3,96 triệu đồng đến 9,9 triệu đồng/người/tháng. Tuy còn nhiều vấn đề cần bàn về cách khoán, mức khoán sao cho phù hợp với từng chức danh và tính chất công việc của cá nhân, đơn vị, nhưng đây là dấu hiệu tích cực trong việc công khai minh bạch và tiết kiệm trong sử dụng tài sản công nói chung và xe công nói riêng.

Xe công phục vụ việc công. Điều đó không có gì phải bàn. Nhưng thực tế việc sử dụng xe công vẫn còn lãng phí. Công luận từng nhiều lần phản ánh về việc xe công sử dụng cho việc riêng như đi ăn cưới hỏi, chạp giỗ, viếng chùa, đưa vợ con sếp đi học, đi chợ… Lại cũng có không ít trường hợp xe cả tuần chẳng ra khỏi ga ra, một tháng chỉ sử dụng đôi một đôi lần, nhưng vẫn phải trả lương nuôi lái xe.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính năm 2015, trung bình mỗi xe công ngốn của ngân sách khoảng 320 triệu đồng/năm. Với gần 40 nghìn xe công (chưa kể xe của lực lượng vũ trang và doanh nghiệp Nhà nước), mỗi năm khoản chi thường xuyên cho xe công lên tới gần 13 nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo của Chính phủ năm 2015, tổng nguyên giá của gần 40 nghìn xe công khoảng 23.000 tỷ đồng, nhưng sau thời gian sử dụng, tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán là 6.721 tỷ đồng, bằng khoảng 29% tổng nguyên giá. Những con số trên  cho thấy chi phí mua sắm và duy trì hoạt động xe công là rất lớn.

Thực ra, việc khoán chi phí sử dụng xe công đối với  các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe công đã được nhiều nước áp dụng. Thậm chí, một số khoản chi khác theo tiêu chuẩn cũng được khoán vào lương như nhà ở, công tác phí, điện thoại… Ở nước ta, việc khoán chi phí xe công cũng từng đặt ra khá lâu và tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp cuối năm 2015, vấn đề khoán chi phí cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe công được “xới xáo”. Phó Chủ nhiệm một ủy ban của Quốc hội đã nhận khoán tiêu chuẩn xe công với mức 10 triệu đồng/tháng. So sánh con số 10 triệu đồng/tháng (120 triệu đồng/năm) với 320 triệu đồng/năm để “nuôi” xe thì con số tiết kiệm quả là không nhỏ. Rõ ràng việc khoán chi phí sử dụng xe công sẽ tiết kiệm cho ngân sách một khoản không nhỏ đầu tư mua sắm xe, chi phí nuôi xe, lái xe và góp phần loại bỏ cơ chế xin- cho trong mua sắm tài sản công. Ngay người có tiêu chuẩn cũng sẽ chủ động hơn trong sắp xếp công việc, giảm việc đi lại không cần thiết để tiết kiệm túi tiền của bản thân.

 Để nhận rộng mô hình này còn nhiều việc phải hoàn thiện về cơ chế, chính sách và giải quyết các hệ lụy về dư thừa lái xe, ô tô. Hy vọng thí điểm của Bộ Tài chính sẽ là bước khởi đầu cho việc xây dựng cơ chế khoán vào lương các chi phí cho các chức danh lãnh đạo.

Hoàng Giang