PGS. TS Nguyễn Thị Kiều Nhi – Chuyên gia nhi khoa
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý báu được WHO (Tổ chức Y tế thế giới ) khuyến cáo nên duy trì cho bé đến 24 tháng. Sau 6 tháng, các mẹ đi làm thường vắt sữa mẹ để tủ lạnh cho con bú. Tuy nhiên, nếu người mẹ có các dấu hiệu sốt, buồn nôn, hắt hơi, sổ mũi, tiêu chảy… thì 1ml sữa hút ra sẽ có tới 106 các loại virus. Ở môi trường lạnh, virus dễ sinh sôi. Theo các công trình nghiên cứu mới nhất, ngay cả tia hút mẹ ở bầu vú thì dù có máy móc sữa hiện đại thì vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn… Cần có sự phân tích vi sinh học trước khi đưa sữa mẹ vào bảo quản tủ lạnh, tuy nhiên đến nay, nước ta vẫn chưa có thiết bị nào làm được như vậy.
Tốt nhất, mẹ hãy cho con bú trực tiếp. Nếu mẹ thấy mình mạnh khỏe, không đau ốm thì có thể vắt sữa trữ trong tủ lạnh để khi đi làm, người nhà có thể lấy sữa đó ra hâm ấm cho bé bú.
Thế giới thông tin rộng mở, song, những người làm mẹ rất bối rối trước ma trận sách nuôi con, “bác sĩ Google”, ý kiến từ các cộng đồng, hội, nhóm… Vậy, làm thế nào để chọn thông tin hữu ích áp dụng cho mỗi gia đình?
Trong thế giới thông tin rộng mở, người làm mẹ có cơ hội tiếp cận với nhiều kênh thông tin, tuy nhiên, mọi thứ chỉ mang tính tham khảo và tương đối, việc áp dụng và lựa chọn cách thức như thế nào còn tùy thuộc vào thực tế của mẹ và bé.
Thời buổi hiện đại, người mẹ có nhiều thuận tiện trong việc nuôi con. Khi có con, con là ưu tiên số một; mẹ cần hy sinh những thói quen, nhu cầu riêng, tập trung nuôi con cho tốt, cung cấp cho con đầy đủ dưỡng chất bởi não bộ bé phát triển tối đa trong vòng 2 năm đầu. Hãy xem hai năm đầu của con là cơ hội vàng để chăm sóc trẻ.
Chăm sóc trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu tiên khiến cha mẹ thường lo lắng và cần sự cẩn trọng, vì sao như vậy thưa bác sĩ?
Giai đoạn sơ sinh là từ 1-30 ngày tuổi (có nơi 45 ngày tuổi). Ở giai đoạn này, hệ miễn dịch em bé còn yếu nên dễ lây nhiễm các bệnh từ cộng đồng. Do đó, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm từ người khác sang trẻ, đầu tiên là những người chăm sóc trực tiếp, nếu có dấu hiệu bệnh thì không nên tiếp xúc với trẻ. Như khuyến cáo của các thế hệ trước, 3 tháng 10 ngày mẹ và con nằm riêng tách biệt ở một nơi có khi lại tốt. Tôi vẫn khuyên các bà mẹ nằm riêng trong buồng, song phải tạo điều kiện cho bé tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tránh tình trạng thiếu vitamin D.
Người xưa thường quy vào các bé khóc dạ đề, tâm linh… ở 3 tháng đầu tiên…, song với y học hiện đại, tất cả đều có nguyên nhân. Theo mô hình bệnh tật, virus rất nổi trội. Chỉ cần nhiễm các loại virus thì sẽ xuất hiện bệnh. Nếu xử trí hợp lý, bé sẽ qua khỏi. Khoa học kỹ thuật phát triển thì nuôi dưỡng sơ sinh phải thực sự khoa học.
Đang có một “cuộc chiến ngầm” giữa các thế hệ trong cách chăm, nuôi con trong gia đình. Theo bác sĩ, làm sao để dung hòa những mâu thuẫn này, để hướng tới mục tiêu nuôi con khỏe - dạy con ngoan?
“Người nước ngoài chăm con rất thoải mái, trong khi cả gia đình Việt cùng chăm một đứa trẻ nhưng vẫn âu lo là do chúng ta quá bao bọc và ít tạo điều kiện cho trẻ tự lập”. |
Mâu thuẫn giữa các thế hệ hầu như nhà nào cũng có và xảy ra phần lớn giữa cha mẹ trẻ và ông bà, vì vậy, cần có sự giải thích, “mưa dầm thấm đất”. Khi đi khám cho bé, có thể đưa người thân đi, cùng nghe bác sĩ tư vấn, giải thích một cách khoa học nhằm thay đổi nhận thức. Tôi nghĩ phương pháp nuôi con như ngày trước không còn phù hợp, ngoại trừ việc nên tách riêng mẹ và em bé, hạn chế tiếp xúc với người khác trong 3 tháng đầu, tránh lây nhiễm virus truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa.
Cho con ăn là “cửa ải” đối với nhiều bà mẹ. Theo bác sĩ, cách cho trẻ ăn như thế nào là hợp lý?
Theo quy luật đấu tranh sinh tồn, em bé sẽ ăn để lớn lên. Tuy nhiên, khi trẻ biếng ăn, ắt có nguyên nhân của nó. Như biếng ăn trường diễn: khi sinh ra đã biếng ăn, “bệnh” này liên quan đến bệnh lý của trẻ, thường gặp những trẻ thấp bé nhẹ cân do chuyển hóa kém, cần phải can thiệp. Còn nếu bé biếng ăn từng đợt thì phải xem xét nguyên nhân để đưa ra hướng xử trí. Hiện loại virus enterovirus khá phổ biến gây biếng ăn lâu dài ở trẻ. Nếu xác định triệu chứng lâm sàng trên cơ thể trẻ xác định nhiễm virus này thì phải xử trí theo góc độ bệnh lý nhằm cải thiện tình trạng biếng ăn cho trẻ. Nếu trẻ bị nhiễm virus gây ra biếng ăn, việc tăng cường thuốc bổ, tổ yến… vào không hiệu quả mà còn làm tăng độc lực của mầm bệnh.
Mỗi giai đoạn phát triển nhu cầu ăn của trẻ khác nhau. Với một em bé khỏe mạnh, bữa ăn sẽ kết thúc một cách tự nhiên. Theo tôi, đôi khi cũng cần đưa trẻ vào khuôn khổ để kết thúc bữa ăn vì trong sự phát triển tinh thần và vận động, việc ép trẻ (có mức độ - không gây xung đột giữa mẹ và con) cũng là giáo dục, khiến trẻ quen dần với việc ăn uống đúng thời lượng và đủ số lượng.
Xin cảm ơn bà!
ANH TÚC (Thực hiện)