Một hố thăm được mở bên trong khuôn viên chùa Vạn Phước

Theo ghi nhận, 3 hố này được mở với diện tích khoảng 4m2/hố. Trong đó, có 2 hố nằm trong khuôn viên chùa Vạn Phước và hố còn lại được mở tại sân vườn nhà ông Nguyễn Hữu Oánh cách đó khoảng 50m. Tất cả quá trình mở hố đều có sự giám sát, theo dõi địa tầng, hiện vật, ghi lại nhật kí… của chuyên gia Viện Khảo cổ học, Bảo tàng lịch sử tỉnh. 

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Online, PGS.TS Bùi Văn Liêm - Viện phó Viện Khảo cổ học, người chủ trì đợt thăm dò khảo cổ lần này cho hay, hiện chỉ mới đào lớp đất bề mặt (hay còn gọi là xáo trộn). Trong quá trình đào đã thu lại các mảnh gạch, sành, sứ… nằm xáo trộn với đất trong giai đoạn gần đây. Theo ông Liêm, việc thu thập các mảnh gạch, sành, sứ… này để so sánh, chứng minh có sự xáo trộn.

“Tùy từng địa điểm mở hố để đào ở các độ sâu khác nhau. Nghĩa là sẽ phụ thuộc vào kiến trúc do con người tạo nên, chừng nào đào đến lớp sinh thổ sẽ dừng lại”, ông Liêm thông tin. Hai hố còn lại sẽ được mở trong một vài ngày tới tại một khu vực nhà dân và một ở khuôn viên chùa Thuyền Lâm. “Đến thời điểm này, vẫn chưa có đánh giá gì”, ông Liêm nói.

Trước đó, Báo Thừa Thiên Huế Online đã thông tin về việc thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung tại khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An, TP. Huế). Đây là nơi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân xác định có sự tọa lạc cung điện Đan Dương của vua Quang Trung, và cũng là nơi chôn cất thi hài vua sau khi qua đời. Quá trình khảo cổ này được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho phép đào 5 hố thăm dò khảo cổ với diện tích 22m2. Thời gian thăm dò kéo dài từ nay đến hết 15/10/2016. Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, Bảo tàng lịch sử tỉnh có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật hư hỏng, thất lạc và báo cáo về bộ phương án bảo vệ, phát huy những giá trị hiện vật đó.

Một số hình ảnh Báo Thừa Thiên Huế Online ghi lại hiện trường mở hố thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung chiều 7/10:

Tiến hành mở hố ở phía trước cổng đi vào chùa Vạn Phước

Chuyên gia của Viện Khảo cổ học quan sát lớp đất đá được đào lên từ các hố

Các mảnh gạch, sành, sứ được thu thập phục vụ cho việc nghiên cứu

Một hố thăm dò được mở tại nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, cách chùa Vạn Phước khoảng 50m

 PGS.TS Bùi Văn Liêm - Viện phó Viện Khảo cổ học, người chủ trì đợt thăm dò khảo cổ dấu vết lăng mộ vua Quang Trung (thứ 3, từ trái qua) trao đổi với những người có mặt tại khu vực mở hố thăm dò

Tất cả quá trình đào hố được ghi hình phục vụ cho việc nghiên cứu sau này

Phan Thành