Khám phá đó đã đăng trên nhiều báo và tạp chí, in trong sách Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung xuất bản và tái bản trên dưới mười năm nay[1]. Nó cũng đã được trình bày trong nhiều cuộc nói chuyện và nhiều hội thảo khoa học ở Huế và nhiều thành phố trong nước - đặc biệt trong cuộc Hội thảo Khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế do Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 30/10/2015 dưới sự chủ trì của GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam. Trong hội thảo này, có những phản biện gay gắt nhưng không có phản biện nào chứng minh chính sử của nhà Nguyễn (bộ Đại Nam nhất thống chí) viết Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân - phía nam có đàn Nam Giao (tức Phủ Dương Xuân ở phía bắc đàn Nam Giao) là sai cả.
Vị trí đàn Nam Giao (A) so với gò Dương Xuân (B) – điểm chùa Vạn Phước và đình làng Dương Xuân Hạ (C) – Bản đồ của Cơ quan Trắc địa Đông Dương, 1910
Thời gian qua, bất ngờ xuất hiện những thông tin trái chiều liên quan đến phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn trong truyền thông đại chúng. Hầu hết các bài viết trái chiều ấy đã bỏ quên những thông tin có giá trị, bỏ qua những thao tác cụ thể để xác định đâu là khu vực của phủ Dương Xuân xưa. Vì thế, chúng tôi xin cung cấp lại thông tin cụ thể từ chính sử và khảo sát thực địa để những ai quan tâm có thể tham khảo.
Phủ Dương Xuân là một trong các phủ chính của Huế, còn được xem như Cung điện Mùa Đông của các chúa Nguyễn. Với tầm quan trọng như vậy, phủ Dương Xuân được ghi lại qua các tư liệu của người Việt, người Hoa và người phương Tây sau khi họ có dịp đến đây. Từ các ghi chép của Thích Đại Sán, J.Koffler, Pièrre Poivre, Lê Quý Đôn, hay miêu tả của sách “Đại Nam nhất thống chí” là những chứng cứ để chúng ta đi tìm ẩn số phủ Dương Xuân vốn được xem đã “mất tích” trong chính sử nhà Nguyễn và trên thực địa.
Vị trí ấp Bình An
Trong số những tài liệu chính sử, thông tin về phủ Dương Xuân trong sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn có giá trị cao nhất. Bởi lẽ, triều Nguyễn là triều đại tiếp nối của các chúa Nguyễn, cũng có nghĩa rằng họ là những hậu duệ của chủ nhân phủ Dương Xuân. Hơn nữa, thế thứ của dòng họ Nguyễn không đứt đoạn, chỉ có quyền lực là tạm thời gián đoạn từ năm 1774 đến năm 1801 mà thôi. Vì thế, thông tin về vị trí phủ Dương Xuân trong sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn cần được chú ý hàng đầu trong việc tìm kiếm trên thực địa.
“Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, tập Thượng của Thừa Thiên Phủ, nói về “Gò Dương Xuân” như sau: “Gò Dương Xuân”: Ở phía tây bắc huyện (Hương Thủy) 15 dặm; thế gò bằng phẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam Giao, phía tây có nhiều danh - lam - cổ - sát, cũng xưng là nơi giai thắng.
Cẩn Án: Lúc đầu bản triều khai quốc có dựng phủ ở gò Dương Xuân nầy. Đời vua Hiển Tôn năm Canh Thìn thứ 9 (1700) trùng tu, cơ Tả Thủy, đào thấy 1 cái ấn đồng có khắc chữ: “Trấn Lỗ Tướng Quân chi ấn” là ấn của Trấn Lỗ Tướng Quân, nhân đó đặt tên phủ là Ấn phủ. Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”. (Quốc Sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ QGGD, SG. 1961, tr.56).
Bản thảo Đại Nam Nhất Thống Chí soạn thời Tự Đức (chưa in) – đoạn viết về gò Dương Xuân (Dương Xuân Cương), bắt đầu như sau: “Tại Huyện tây bắc, cương thế bình ổn, kỳ nam Nam Giao đàn tại yên” (Viện Sử học dịch : “Ở phía tây bắc huyện Hương Thủy, hình thể bằng rộng, ở phía nam có đàn Nam Giao...” (Viện Sử học, Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập I, Nxb KHXH, HN. 1969, tr.120).
Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, tập Thượng, phần về Dương Xuân Cương, tr. 26B cho biết: “Tại Huyện tây bắc thập ngũ lý, cương thế bình quãng, khỏi phục la liệt, diên đáng sổ lý, hứa kỳ nam Nam Giao đàn tại yên…” (Nguyễn Tạo dịch: Ở phía tây bắc huyện 15 dặm, thế gò bằng thẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt, dài dặc độ vài dặm. “Phía nam gò có đàn Nam Giao”. (ĐNNTC, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, Nha Văn hóa Bộ QGGD xuất bản, SG 1961, tr. 56).
Đối chiếu tư liệu, Đại Nam nhất thống chí bản đời Duy Tân sử dụng lại bản biên soạn thời Tự Đức, thêm một số chi tiết mới nhưng vẫn giữ nguyên thông tin: “Ở phía nam (gò Dương Xuân) có đàn Nam Giao”.
Tầm quan trọng của thông tin liên quan gò Dương Xuân một cách cụ thể như sách “Đại Nam nhất thống chí” khi sách đã cho biết rằng phủ Dương Xuân được xây dựng trên gò Dương Xuân, phủ Dương Xuân còn có tên là phủ Ấn. Đặc biệt là định hướng của gò Dương Xuân so với đàn Nam Giao – phía nam gò có đàn Nam Giao! Như thế, đã có sự xác định phương vị của một cái phủ đang cần tìm – phủ Dương Xuân dựa trên một cái đàn đang tồn tại – đàn Nam Giao. Thông tin của sách “Đại Nam nhất thống chí” đã cho chúng ta thấy được sự định vị phủ Dương Xuân. Phía Nam gò Dương Xuân có đàn Nam Giao, vậy đối ngược với phía Nam là phía Bắc, và ở đây thấy rằng, phía Bắc của đàn Nam Giao là phủ Dương Xuân ở trên gò Dương Xuân (chúng tôi nhấn mạnh).
Từ thông tin của sách “Đại Nam nhất thống chí”, chúng tôi thực hiện các thao tác kỹ thuật bản đồ và đo đạc thực địa như sau:
Ở bản đồ trên (ảnh 1), gò Dương Xuân (B) ở về phía Bắc của đàn Nam Giao (A) do phía nam gò Dương Xuân có đàn Nam Giao. Tìm sự tương ứng trên thực địa chính là khu gò ấp Bình An (chùa Vạn Phước ngày nay) thuộc phường Trường An – thành phố Huế. Còn ngọn đồi có đình làng Dương Xuân Hạ (C) được đo cho thấy, đình làng Dương Xuân Hạ (C) – phường Thủy Xuân, chếch khoảng 40 độ so với điểm chùa Vạn Phước – phường Trường An, trên gò Dương Xuân (B), tức là trục AC chếch khoảng 40 độ về hướng tây bắc so với trục AB. Như thế, đình Dương Xuân Hạ (C) ở về phía gần như tây bắc so với đàn Nam Giao (A). Do đó phía nam đình Dương Xuân Hạ (C) không thể có đàn Nam Giao.
Từ tài liệu chính sử đến vị trí trên thực địa cho thấy, vị trí đình làng Dương Xuân Hạ chưa bao giờ nằm ở gò Dương Xuân. Đình làng Dương Xuân Hạ không nằm trên gò Dương Xuân thì nó không phải hậu thân của phủ Dương Xuân, không phù hợp với vị trí phủ Dương Xuân mà sách “Đại Nam nhất thống chí” đã viết.
Chúng tôi xin nói thêm về vị trí hứng gió mùa đông của đình làng Dương Xuân Hạ. Khi các chúa Nguyễn sử dụng phủ Dương Xuân làm cung điện Mùa Đông chính là tính đến vị trí tránh gió lạnh mùa đông. Giả như đình làng Dương Xuân Hạ có phủ Dương Xuân, vậy việc hứng gió mùa đông đó sẽ phải xử lý thế nào ? Chỉ có xoay lưng về hướng bắc, hoặc đông bắc để tránh gió mùa đông thì lại không phù hợp với phong thủy – một vấn đề thế giới quan, nhân sinh quan luôn được chú ý của người phương Đông trong việc xây nhà. Cung điện Mùa Đông để tránh lụt, tránh lạnh, nếu theo ý kiến của một số người khác thì chức năng “cung điện Mùa Đông” không còn phù hợp.
Không khó để nhận diện khu vực gò Dương Xuân trên thực địa với kỹ thuật hiện nay, đó chính là vùng Bình An thuộc phường Trường An, thành phố Huế. Vùng Bình An đó còn được gọi là gò ấp Bình An, gò Hàm Long, Long Sơn, gò Dương Xuân. Phủ Dương Xuân cũng vì thế mà được xác định ở khu vực Bình An này.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN - NGUYỄN ĐÌNH ĐÍNH
[1] Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007 và 2015