Ngỡ ngàng với đảo chôn rác Semakau của Singapore
Du khách tham quan đảo rác Semakau - Ảnh: LÊ NAM
Năm 2015, mỗi ngày Singapore thải ra khoảng 21.023 tấn rác các loại, 38% trong số này (7.886 tấn) đốt được, 2% trong số này (khoảng 516 tấn) không đốt được, mang ra Semakau chôn. 60% còn lại được tái chế.

Do chưa có phương tiện vận tải công cộng đến đảo rác Semakau (ngoài khơi phía nam Singapore, cách bờ khoảng 8km), chúng tôi đi cùng tàu ra đảo với giám đốc bộ phận quản lý tài nguyên và rác thải - Ban bảo vệ môi trường, thuộc Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) Long Lian Ming.

Semakau là bãi chôn rác duy nhất vẫn còn hoạt động ở Singapore có diện tích hơn 350ha.

Năm 1995, đảo Semakau được hình thành từ việc nối liền hai hòn đảo tự nhiên Palau Semakau và Palau Sakeng (trong tiếng Malay, Palau có nghĩa là đảo) bằng 7km bờ kè bêtông dài như bức tường thành bao quanh.

178ha của giai đoạn 1, được đầu tư kinh phí 610 triệu SGD (khoảng 445 triệu USD), bắt đầu tiếp nhận tro - rác từ năm 1999 ở 11 hố với sức chứa hơn 28 triệu m3 tro - rác chuyển ra từ các nhà máy biến rác thải thành năng lượng (WTE).

Xanh xanh đảo rác

Nằm giữa nhà điều hành và nơi tiếp nhận tro rác chở từ bờ ra là khu nghiên cứu thủy sản của Trường đại học Kỹ thuật Nanyang (NTU), nơi đang triển khai một số hoạt động nghiên cứu tôm, cá để nuôi trồng trong các trại cá, tôm bên cạnh đảo rác.

Bao bọc khu vực này là rất nhiều cây xoài, dừa... cao hơn 5-7m, những bụi hoa bông giấy đỏ rực và thảm cỏ xanh.

Chiếc xe chở chúng tôi tiến về phía nhà chuyển tiếp tro - rác từ bốn WTE chuyển ra hằng ngày. Lúc này đang có một sà lan lớn có thể chở được khoảng 3.500 tấn tro rác, nằm trong lòng nhà chuyển tiếp để chờ bốc hàng.

Rác của toàn bộ đảo quốc Singapore sau khi lọc lại những thứ không đốt được, các sản phẩm tái chế, còn lại sẽ được đốt để phục vụ các WTE, tro rác sau đó được mang ra Semakau sau quãng đường dài 33km để chôn.

Bên cạnh đó, Semakau còn “dung nạp” cả những loại rác không thể đốt và không thể tái chế được.

“Phải mất khoảng sáu giờ để lấy toàn bộ số tro không còn tí mùi nào trong các sà lan để vận chuyển và đổ xuống hố chôn. Công việc cứ diễn ra đều đặn từ năm 1999, đến nay chỉ còn một hố trong toàn bộ 11 hố (thuộc giai đoạn 1) còn trống” - ông Long cho biết.

Thấy chúng tôi có vẻ hơi ngờ vực, ông bảo lái xe mở cửa để tôi bước ra ngoài. Giữa trưa, oi vô cùng, không khí như giãn ra hết mức bởi sức nóng của mặt trời. 

Chúng tôi dù đã cố hít lấy hít để nhưng thật sự chẳng ngửi được mùi hôi của rác thải dù đứng cách chiếc xe chở tro - rác chỉ hơn 15m.

Chúng tôi cùng ông Long và các nhân viên NEA lái xe đi một vòng quanh đảo. Xe chạy được một quãng đã thấy cả một khu rừng đước, sú, vẹt xanh rì, dày đặc ở bên phải.

Theo ông Long, nước thải từ các hố chôn tro - rác gần như chẳng rỉ ra bên ngoài nên nhiều năm qua không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh đảo. Ngoài hệ thống đước, sú, vẹt... còn có cá, san hô, chim chóc...

Hai bên đường xe đi là các bờ cỏ xanh rì mọc sát ra tận mép đường nhựa, những hàng cây phi lao cao lớn che mát rượi, thỉnh thoảng những con chim cu gáy, cò... bỗng vụt bay ngang trước mặt xe. Nếu chỉ nhìn cảnh vật này, chẳng ai nghĩ là mình đang ở trên đảo chôn tro - rác.

Xe chợt dừng lại, ông Long cười chỉ sang bên phải: hàng loạt bè cá nuôi cá mú xuất khẩu sang Úc ở ngay gần bờ đê của đảo rác.

Cách đó không xa là một nhà nghỉ chân bằng gỗ khá lãng mạn: một bên là biển trong xanh với các bè cá nhìn xa xa, một bên là cây cối xanh tươi, um tùm bên cạnh ao nước lớn (khu chôn giai đoạn 2)... Đảo chôn rác mà sao trong lành quá!

Ngỡ ngàng với đảo chôn rác Semakau của Singapore
Bè cá quanh đảo rác Semakau - Ảnh: LÊ NAM

Chôn rác rẻ, nhưng...

Ý tưởng chuyển tro - rác ra chôn ở đảo, theo ông Long, được Singapore “copy” từ Nhật Bản. Nhưng không giống Nhật Bản vốn chủ yếu mở rộng đất lấn biển để chôn rác thải đã xử lý, Singapore dọn hẳn một hòn đảo để làm việc này.

Năm 1995, đảo quốc sư tử bắt đầu cho di dân từ hai hòn đảo nhỏ (khá ít dân, nước cạn, rất gần bờ) vào bên trong đất liền và nối chúng lại thành một đảo nhân tạo, biến Semakau thành đảo nhân tạo chôn tro - rác lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.

Ông Long bảo từng đến TP.HCM vài lần du lịch và khá thích nơi này. Ông nói các nước có diện tích lớn ở Đông Nam Á thường chọn cách chôn rác vì là cách xử lý rẻ nhất. “Nhưng các bạn sẽ phải giải quyết vấn đề mùi hôi, nước rỉ rác và ô nhiễm” - ông Long chia sẻ.

Những năm 1970, Singapore cũng chôn rác ở khu Lorong Halus nhưng lượng rác thải ngày càng nhiều, trong khi diện tích dành cho chôn rác không thể có thêm. Không thể chôn mãi vì không có đủ đất và ô nhiễm, ý tưởng đầu tư nhà máy xử lý rác và tái sử dụng nhiệt điện cho cuộc sống trong quá trình này được đưa ra.

Tháng 7/1979, WTE đầu tiên được đưa vào hoạt động và đến năm 2009 thì chấm dứt. Đầu tư WTE để đốt rác là cả một khoản tiền lớn.

Theo ông Long, chỉ riêng nhà máy WTE hiện có khả năng đốt 3.000 tấn rác (công suất lớn nhất hiện nay) ở phía nam Tuas đã phải đầu tư đến hơn 890 triệu SGD (hơn 648 triệu USD).

Ngoài nhà máy này còn ba WTE khác, hai cái có công suất hơn 2.000 tấn rác/ngày và một có công suất 800 tấn rác/ngày. Hai trong số bốn WTE này là của các nhà đầu tư tư nhân.

Mới đây, NEA đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy WTE thứ sáu có công suất đốt 3.600 tấn rác/ngày với tổng đầu tư lên đến 653 triệu SGD (khoảng 473 triệu USD), dự kiến đưa vào hoạt động năm 2019 sẽ đóng góp thêm 120MW điện mỗi ngày cho Singapore.

“Chúng tôi đang tăng cường các biện pháp 3R là Giảm thiểu (Reduce) - Tái chế (Recyle) và Tái sử dụng (Reuse) các loại rác thải để kéo dài thời gian sử dụng Semakau càng lâu càng tốt (dự kiến ngưng tiếp nhận vào năm 2035) - ông Long nói.

Hoạt động xanh

Theo ông Long, vào tháng 11 hằng năm khi các trường kết thúc học kỳ thứ tư (học kỳ cuối cùng), NEA mở các chuyến phà cho công chúng đến tham quan đảo.

Nhiều hoạt động tìm hiểu môi trường bền vững được tổ chức ở đây như xem chim, ngắm sao, lội nước trong các khu vực sú, vẹt… tìm hiểu môi trường đa dạng sinh học. Đến nay đã có 66 loài chim đã được ghi nhận, chụp ảnh trong môi trường ở Semakau.

Cũng trong thời gian này, tour ngắn trong vòng ba giờ lội nước khi thủy triều xuống tìm hiểu đời sống các động - thực vật trong khu nước ngập mặn quanh đảo Semakau như cỏ biển, sao biển, rạn san hô, cua, tôm… cũng được nhiều bạn trẻ Singapore và quốc tế ưa thích.

Bên cạnh đó là các tour giáo dục cho giới trẻ quan sát toàn bộ quy trình xử lý rác thải để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Theo Tuoitre