Sự gia tăng đột biến này được quy cho một số yếu tố như: thiếu các chương trình sàng lọc, do mật độ dân số, hay những hạn chế về văn hóa..., ANN ngày 9/10 đưa tin.
Một phụ nữ đang kiểm tra ung thư vú. Ảnh: NCI
Theo các nghiên cứu, nguy cơ phát triển căn bệnh này tăng theo độ tuổi, nhưng phụ nữ châu Á đang được chẩn đoán mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn so với phụ nữ phương Tây, khi “độ tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao nhất ở phụ nữ châu Á sớm hơn khoảng 10 năm”.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, có thể có sự khác biệt trong các khối u sinh học của phụ nữ mắc ung thư vú ở châu Á so với ở các nước phương Tây, “điều này sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị cho các bệnh nhân nhằm cố gắng cải thiện tỷ lệ sống”, Giáo sư Arlene Chan, một nhà ung thư học ở trường Đại học Curtin, Úc nhận định.
Ung thư vú là dạng ung thư được nghiên cứu nhiều nhất, và nếu phát hiện sớm, phần lớn có thể chữa trị được. Ở các nước giàu trong khu vực (Hàn Quốc, Hồng Kông, Úc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore), tỷ lệ sống sót sau 5 năm chiếm từ 80%-92%, nhưng con số này thấp hơn nhiều ở các nước đang phát triển như Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Dailymail & ANN)