Theo PGS. TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, những năm qua, các tổ chức xã hội có sự phát triển nhanh chóng với quy mô, phạm vi, tính chất hoạt động phong phú, đa dạng. Song, việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân vẫn còn chậm, phân tán, thiếu tính hệ thống và đồng bộ. Các quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền lập hội của công dân hiện nay chủ yếu được điều chỉnh bằng các văn bản dưới Luật. Dự thảo Luật về Hội được xây dựng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò tích cực của hội trong đời sống xã hội và tăng cường quản lý nhà nước về hội.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về những bất cập và khuyến nghị về cơ chế quản lý hội trong dự thảo Luật về Hội, vấn đề quản lý các tổ chức Hội có yếu tố nước ngoài và cơ chế đảm bảo quyền tự do lập hội, tham gia hội của người nước ngoài, người không có quốc tịch, vấn đề bảo đảm quyền tự do lập hội gắn kết với việc bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chính sách giảm dần bao cấp của Nhà nước đối với các tổ chức hội trong dự thảo Luật về Hội... Dự thảo Luật về Hội có 8 chương, 36 điều. Dự thảo đang được các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý hoàn thiện. Dự thảo Luật về Hội sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV, tháng 10/2016.

THÁI SƠN