Cảnh ngập lụt trên một đường phố ở Queens Borough, New York, Mỹ sau cơn bão Sandy ngày 29/10/2012. Nguồn: THX
Nghiên cứu công bố trong tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences phát hành ngày 10/10 cho biết ở mức độ ảnh hưởng "khiêm tốn" nhất của biến đổi khí hậu, lũ sẽ xuất hiện với mức độ thường xuyên gấp 3 - 4 lần. Tuy nhiên, với viễn cảnh xấu nhất, mức độ thường xuyên sẽ tăng gấp 17 lần.
Điều này có nghĩa là kể từ năm 2100, những đợt lũ lớn như đợt lũ sau bão Sandy, vốn chỉ diễn ra 400 năm một lần trong điều kiện môi trường hiện tại, sẽ xuất hiện 20 năm/lần.
Nguyên nhân là do nước biển sẽ tiếp tục dâng cao và bão sẽ trở nên dữ dội hơn trong môi trường nhiệt độ cao hơn.
Kết quả nghiên cứu được đưa ra dựa trên sự kết hợp giữa các dữ liệu lịch sử và công nghệ dự đoán thông qua lập trình mẫu máy tính, theo đó, phương pháp phân tích của nghiên cứu này cũng có thể áp dụng cho các khu vực duyên hải khác trên thế giới.
Trưởng nhóm nghiên cứu Ning Lin, đồng thời là trợ giảng tại Đại học Princeton, cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên đưa ra các dự báo bằng cách phân tích cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nước biển dâng và hoạt động của các cơn bão.
Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để giảm tình trạng biến đổi khí hậu.
Bão Sandy đã cướp đi sinh mạng của 157 người và gây thiệt hại khoảng 70 tỷ USD khi tàn phá bờ Đông Bắc nước Mỹ năm 2012. Nhiều địa điểm tại thành phố New York ngập sâu 3 mét.
Nhằm hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu, thế giới vừa phê chuẩn Hiệp định Paris, văn kiện đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thứ hai sau khi có được sự phê chuẩn của 72 quốc gia chiếm 56% lượng khí thải toàn cầu và dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11 tới./.
Theo VIetnam+