Tại TP. Huế, hầu hết các cơ sở sản xuất- kinh doanh tôn, thép, vật liệu xây dựng đều sử dụng xe tự chế làm phương tiện vận chuyển chủ yếu, trong khi đa số xe này xuống cấp, hư hỏng nặng.
Một phương tiện xe kéo chở tôn cồng kềnh trên phố bị CSGT bắt giữ sáng 11/10
Phương tiện chở hàng cồng kềnh giảm
Mặc dầu đồng loạt ra quân xử lý xe thô sơ, xe tự chế chở hàng cồng kềnh từ ngày 6/10 và thu được một số kết quả tốt, nhưng trong ngày 11/10-một ngày sau vụ tai nạn làm tài xế chở tôn tử vong, trên các trục đường Bà Triệu, Phạm Văn Đồng, An Dương Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh…, Đội CSGT Công an TP. Huế vẫn phải tiếp tục lập nhiều chốt xử lý xe chở hàng cồng kềnh. Đội CSGT Công an TP. Huế còn có các tổ tuần tra lưu động để phát hiện vi phạm trên các tuyến đường. Trong buổi sáng, CSGT TP. Huế phát hiện, xử lý 15 xe chở hàng cồng kềnh. Đa số các xe bị tạm giữ đều chở tôn, sắt thép, xà gồ… vượt quá chiều dài và chiều rộng cho phép và đều chở hàng cho các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Sau khi xử phạt, CSGT yêu cầu chủ phương tiện dỡ hàng chờ phương tiện khác đủ tiêu chuẩn đến chở đi. Tất cả phương tiện đều được tạm giữ để xử lý.
Gần đây, do có sự ra quân đồng loạt của CSGT TP. Huế nên trên các tuyến đường trước đây có nhiều xe chở hàng hóa cồng kềnh thì nay đã giảm. Một CSGT đang tuần tra lưu động trên đường cho hay, có lẽ biết thông tin nên chủ phương tiện xích lô, xe ba gác, xe gắn máy kéo xe thô sơ… không dám nhận chở hàng cồng kềnh nữa. Tuy nhiên, người đi đường vẫn có thể bắt gặp những loại xe này lưu thông trên đường. Hiện, chủ xe chở hàng thường chọn thời điểm vắng CSGT hay chọn những đường phố không có chốt CSGT để lưu thông. Một chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở đường Phạm Văn Đồng cho biết, nghe CSGT ra quân rầm rộ các tài xế thường chở hàng cho công ty cũng lo sợ và chọn cách kéo bộ bằng xe ba gác. Tuy nhiên, về lâu dài công ty sẽ đầu tư phương tiện đảm bảo để chở hàng cho khách.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm tài xế chở tôn chết tại chỗ vào chiều 10/10
Trung tá Đặng Phúc Xuân, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Huế thừa nhận, sau một thời gian triển khai chấn chỉnh phương tiện thô sơ, kéo đẩy chở hành hóa cồng kềnh, tình hình chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, ở một số tuyến đường vành đai, đường vắng vẫn xuất hiện các xe thô sơ, tự chế tham gia giao thông. Việc xử phạt, thu giữ loại xe này chưa được triệt để vì nhiều nguyên nhân, trong đó khó giải quyết nhất là vấn đề sinh kế của các hộ nghèo. Từ lâu, nhiều người xem đây là một nghề và là lao động chính để nuôi sống cả nhà.
Cần những giải pháp đồng bộ
Sau 5 ngày ra quân từ ngày 6 đến 11/10, lực lượng CSGT Công an TP. Huế phát hiện, xử lý trên 50 trường hợp xe thô sơ, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh vượt quá chiều dài, chiều rộng cho phép, tạm giữ 35 phương tiện, ra quyết định xử phạt gần 15 triệu đồng. Tại các huyện, thị xã trung bình mỗi nơi cũng xử lý 10-20 trường hợp. |
Trước 2 vụ tai nạn gây chết người trong tháng 9/2016 trên địa bàn TP. Hà Nội và mới đây là tại TP. Huế, xe chở hàng cồng kềnh cũng đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, là nỗi khiếp sợ với người tham gia giao thông bởi hầu hết những xe này đã chở hàng cồng kềnh còn đi rất ẩu. Chị Nguyên Thị Thùy Trang (trú đường Bà Triệu, TP. Huế) chia sẻ: “Đi trên đường gặp những xe chở hàng cồng kềnh rất sợ, luôn phải giữ khoảng cách bởi họ rất coi thường sự an toàn của người đi đường, thường luồn lách, hầu như không cần để ý xem đuôi hàng có thể gây va quệt cho người đi đường hay không. Tôi mong rằng, việc xử lý xe vi phạm kiểu này không chỉ dừng ở đợt ra quân”.
Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, phòng ngừa tai nạn do phương tiện chở hàng cồng kềnh, xe thô sơ, xe gắn máy tự chế xảy ra trên địa tỉnh, Công an tỉnh có 2 công điện chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, TP. Huế căn cứ chức năng nhiệm vụ, tuyến đường được giao, địa bàn phụ trách tập trung kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện chở hàng cồng kềnh; kéo, đẩy phương tiện khác, vật khác không đúng quy định; xe thô sơ, xe gắn máy tự chế, sản xuất, lắp ráp trái quy định. Riêng đối với các loại xe thô sơ, xe gắn máy tự chế sản xuất, lắp ráp trái quy định, không có giấy tờ hợp lệ thì tiến hành tịch thu, tiêu hủy theo trình tự quy định.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi “xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác” bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng. Theo nhận xét của CSGT, chế tài xử phạt đối với các lỗi vi phạm chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm.
Văn bản chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe môtô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định gây mất trật tự ATGT trên địa bàn. |
THÁI BÌNH