Tuấn Anh và Xuân Trường xuất thân từ lò Hoàng Anh Gai Lai  là những nhân tố quan trọng trong đội hình chiến thuật của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Internet

Quả thật, trong trận đấu thắng đậm đối thủ hạng mạnh của châu lục, đã có tới 5 cầu thủ của lò Hoàng Anh ra sân, trong đó chỉ duy nhất Công Phượng là từ trên băng ghế dự bị. Kết quả đã có 4/5 bàn thắng được ghi có dấu giày của họ, dù phần lớn trong số đó đang phải sắm vai dự bị ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong trận hòa 2-2 trước Indonesia, tuyển Việt Nam ra sân với đội hình không có bất kỳ một cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai nào. Một trận hòa chưa hẳn là tai họa. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự thiếu vắng những học trò cưng của bầu Đức và theo cựu tuyển thủ Quốc gia Châu Lê Phước Vĩnh, đó là sự khác biệt lớn nhất. Khả năng phối hợp nhóm, phối hợp nhỏ mà HLV Hữu Thắng dày công xây dựng không được phát huy. Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát bóng không còn như trận trước. Các cầu thủ chơi bóng dài nhiều, cự ly đội hình chưa chuẩn, khả năng hỗ trợ cho phòng ngự còn hạn chế. Thiếu Tuấn Anh và Xuân Trường, tuyển Quốc gia không kiểm soát được bóng, không tạo được những đường chuyền mang tính đột biến, mà lối chơi chỉ dựa sự tỏa sáng của cá nhân chứ không có dấu ấn của tập thể.

Thật ra, so với công sức, tiền của mà bầu Đức bỏ ra và kỳ vọng của nguời hâm mộ, mô hình bóng đá Hoàng Anh Gia Lai chưa được xem là một thành công. Bằng chứng là sản phẩm hàng đầu của lò đào tạo như Công Phượng, Tuấn Anh vẫn chỉ là những kép phụ ở các đội bóng hạng hai Nhật Bản. Đội bóng Hoàng Anh Gia Lai phải chật vật với mục tiêu trụ hạng ở V. League mấy mùa giải vừa qua và tương lai cũng chẳng có gì sáng sủa. Thế nhưng nhìn cách vận của đội bóng, xem các cầu thủ thi đấu trên sân, người xem vẫn dễ dàng nhận ra một dáng dấp riêng biệt. Được đào tạo từ rất sớm và khoa học, các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai có nền tảng kỹ thuật cá nhân và sự phối hợp trong thi đấu rất tốt. Họ chơi bóng theo kiểu người Việt mình, có nhiều hạn chế về thể hình nhưng khéo léo và thông minh. 

Trở lại với cách gọi “lò bóng đá Hoàng Anh Gia Lai”. Thông thường, danh xưng “lò” trong ngôn ngữ Việt được dùng đấu vật và luyện võ. Đó là nơi rèn luyện và đào tạo những những đấu sĩ, võ sĩ theo chuẩn mực nhất định nào đó và phần đông mang tính chất bí truyền. Cũng là những đô vật, nhưng các đô vật Huế lại có những đòn miếng khác hẳn các lò vật phía bắc. Đó là nhân tố làm nên thương hiệu, đi sâu có rất nhiều chuyện để mổ xẻ và phân tích. Trong võ thuật lại càng đa dạng và phong phú, muôn hình muôn vẻ, chẳng ai giống ai. Dù thế nào chăng nữa thì được đề cao hàng đầu vẫn là tinh thần thượng võ. Các lò vật xưa ở Bắc Giang là một ví dụ, không bao giờ dung nạp những môn sinh háo danh, không giữ được đạo đức, vì đã là con nhà võ thì dù gì đi nữa cũng luôn phải khiêm tốn, giữ  lấy cái đức “Tiên học lễ, hậu học võ”.

Cùng với Hoàng Anh Gia Lai, dù rất sơ khai bóng đá Việt Nam vẫn đã và đang có những lò riêng với việc nhận dạng khá dễ dàng trong cách thức và phong cách thi đấu. Ví như một thời là phong cách thi đấu thiên về kỹ thuật, có sự phối hợp linh hoạt của các cầu thủ Cảng Sài Gòn, xem rất thích. Hay gần đây là lối chơi máu lửa của các cầu thủ xứ Nghệ. Tuy nhiên, đó chỉ mới là những lò đá bóng mang tính tự phát, thiếu hẳn sự chắt chiu và đầu tư bài bản, kỹ lưỡng nên đã không thể thành những thương hiệu nổi tiếng và bền vững. Bóng đá Việt cứ phải loay hoay đi tìm những lối chơi riêng cho mình là vì thế.

ĐAN DUY