Trong số các loại gà cảnh, giống gà Serama có giá trị nhất

Nhìn dáng gà, đoán tính người

Sau một cái hẹn chớp nhoáng, anh Nguyễn Văn Đoàn (33 tuổi, phường Tây Lộc, TP. Huế) cùng các thành viên trong CLB gà cảnh Huế đã tạo điều kiện để tôi có thể tận thấy đàn gà có giá hàng chục triệu đồng. Tại buổi “offline” thu nhỏ, khoảng chục con gà với đủ màu sắc sặc sỡ, lông mượt, đuôi xòe tranh nhau tiếng gáy.

Trong số những người chơi gà cảnh ở Huế, Đoàn thuộc dạng có “số má”. Anh chơi gà cảnh từ năm 2010 với giống gà tre Bắc, rồi chuyển sang gà rừng. Sau đó, giống gà Serama được nhập khẩu từ Malaysia với giá hơn chục triệu đồng/con trở nên phổ biến thì Đoàn chuyển hẳn sang chơi loại gà được xem là nhỏ nhất thế giới này.

Bây giờ đàn gà cảnh của anh Đoàn khoảng gần 30 con chủ yếu là gà Serama, trong đó có 12 con bố, mẹ, tính sơ sơ có giá gần cả trăm triệu đồng. Anh Đoàn chia sẻ: “Hiện ở Huế, gà Tân Châu (An Giang), Serama, Phoenix được dân chơi lựa chọn. Trong số đó gà Serama có giá đắt nhất, tầm từ 10-20 triệu đồng/con. Các loại gà khác giá dao động từ vài triệu đồng. Đa phần gà được dân chơi mua từ các tỉnh, thành khác”.

Gà Tân Châu được đa số dân chơi gà cảnh lựa chọn

Theo dân chơi gà cảnh, tiêu chí để đánh giá một con gà đẹp dựa vào hình dáng. Thông thường gà cảnh có nhiều dáng, như dáng táo, dáng rồng… Mỗi loại gà có một vẻ đẹp đặc trưng riêng. “Nếu như chơi gà đá đánh giá qua đòn thế, chim cảnh qua tiếng hót, thì gà cảnh được gọi là đẹp nếu có bộ lông mượt, nhiều màu và dày, nhìn vào bộ lông gà sẽ không thấy ánh sáng từ phía bên kia. Phan Quốc Bửu Long (24 tuổi, phường Tây Lộc, TP. Huế), một tay chơi gà cảnh lão luyện nói.

“Người chơi gà cảnh chuyên nghiệp, chỉ cần nhìn gà có thể đoán được tính cách của chủ nhân. Nếu một con gà được chăm sóc tỉ mỉ sẽ có một bộ lông óng mượt, điều đó chứng tỏ chủ nhân là người cẩn thận, kiên nhẫn và khéo tay. Còn ngược lại, thì đó là những người cẩu thả”, Long bày tỏ.

Phải có con mắt “nghề”

Nuôi gà cảnh nghe qua cảm thấy đơn giản, nhưng để tạo ra một chú gà cảnh ưng ý, chủ nhân phải lao tâm khổ tứ, đầu tư cả công sức lẫn tiền bạc. Riêng đối với khoản thức ăn, Nguyễn Thanh Tiến (27 tuổi, phường Thuận Hòa, TP. Huế) bảo rằng: “Gà thường được cho ăn ngày 3 bữa. Bữa sáng và tối cho ăn lúa hay bột, riêng bữa trưa phải cho ăn rau, cà, giá, tôm, thịt, dế, ngũ cốc, vitamin và tiêm vắc xin phòng dịch… để bổ sung dinh dưỡng và giúp gà có sức đề kháng tốt. Ngoài ra, chuồng trại cũng phải được đảm bảo khô ráo, thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ để hạn chế tối đa bệnh nấm ở chân gà”.

Khác các loại gà thông thường, gà cảnh có sức đề kháng rất yếu. Do vậy, khó khăn lớn nhất với dân chơi là khi thời tiết phức tạp. Những lúc “trái gió trở trời”, có người thiệt hại cả chục triệu bạc chỉ trong nháy mắt. “Đối với những người mới chơi nên chọn gà có giá thấp, tập nuôi để lấy kinh nghiệm. Bởi nuôi gà cảnh sợ nhất chăm sóc không đúng quy trình, lúc giao mùa gà dễ mắc bệnh, chết. Để có bộ lông đẹp, mượt gà cần phải được tắm xà phòng. Mùa hè tắm từ 1-2 lần/tuần, mùa đông khoảng 1 tháng tắm một lần, chỉ tắm từ bờm xuống đuôi, tránh nước tiếp xúc vào mắt gà, tắm xong phải sấy khô lông gà”, Tiến chia sẻ.

Đối với dân chơi gà chuyên nghiệp, ngoài tìm được một con gà ưng ý người chơi phải biết cách tự mình lai tạo, phối giống để có được một sản phẩm riêng biệt. Hiện, trên thị trường, gà cảnh thuần chủng, cổ điển hầu như rất ít, chủ yếu được dân chơi lai tạo từ các giống khác nhau. Tùy theo từng loại gà cảnh mà có thời gian nuôi thích hợp, như: gà Serama nuôi khoảng 7 tháng mới có thể tạo dáng, hay gà Tân Châu thời gian nuôi ít nhất 15 tháng mới có bộ lông ưng ý mà dân chơi gọi là “đỉnh phong”.

Anh Nguyễn Văn Đoàn cho biết: “Hiện, việc mua bán thường diễn ra qua mạng, do vậy người chơi gà cần phải có con mắt “nghề”. Trước khi mua, ngoài xem hình ảnh của gà thì phải thấy được ảnh của bố, mẹ chúng. Mỗi loại gà có một ưu điểm riêng, gà Phoenix có đuôi dài, rộng thì phối giống với các loại gà khác như Tân Châu, Ohiki để tạo ra một con gà ưu việt nhất”.

Bài, ảnh: Lê Thọ