Tại trang trại chăn nuôi lợn của ông Phan Văn Hùng (xã Quảng Vinh), vẫn còn một số con chán ăn, đang được điều trị. Tổng đàn lợn ông nuôi gần 100 con bao gồm lợn thịt và 17 lợn nái. Từ ngày 1-10/10, hàng chục con lợn bị chết bất thường với triệu chứng bỏ ăn, mẩn sốt, da xanh, sưng khớp…Trong đó có 25 con lợn thịt bị chết và 4 con lợn nái sẩy thai. Toàn bộ số lợn thịt ông nuôi khoảng gần 2 tháng, trọng lượng trên dưới 30kg. “Lợn của tui nuôi tiêm phòng đầy đủ, nhưng không hiểu sao lại chết không rõ nguyên nhân với các triệu chứng như, mắt đỏ, chảy nước mắt, da xuất hiện nốt đỏ, vàng… Số còn lại, sức đề kháng yếu ớt, bỏ ăn, còi cọt...ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng”, ông Hùng nói.

Ngay sau khi lợn chết, ông liền trình báo thú y xã; các cơ quan chức năng đã có mặt tại trang trại ông Hùng để nắm nguyên nhân và tiến hành tiêu hủy.

Số lợn còn lại tại trang trai ông Hùng đang trong tình trạng chán ăn, còi cọt

Theo ông Hùng, cùng với trang trại của ông, một số trang trại khác cũng xuất hiện tình trạng lợn chết, tuy nhiên số lượng không nhiều. Song, rất ít người báo với chính quyền địa phương. Về vấn đề này, ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền cho biết: “Ngoài ông Hùng, tại các trang trại nuôi tập trung ở Quảng Lợi và Quảng Vinh, lợn của các hộ khác cũng có chết nhưng số lượng không nhiều, khoảng 1-2 con/hộ”.

Các cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợn chết thời gian qua là do diễn biến thời tiết phức tạp. Hiện, đang trong giai đoạn chuyển mùa nên lợn thường xuất hiện một số bệnh thông thường như, nhiễm khuẩn ecoli, đóng dấu, tụ huyết trùng... Ông Phan Văn Lự cho hay, hiện nay, tổng đàn lợn tại huyện Quảng Điền hơn 37 nghìn con, trong đó xã Quảng Vinh (nơi bị thiệt hại lớn nhất) khoàng 7 nghìn con. “Đang trong thời điểm giao mùa nhưng các hộ nuôi lợn lại chăm sóc không đúng quy trình nên dẫn đến tình trạng lơn chết. Thiệt hại nặng nhất là hộ ông Nguyễn Văn Hùng (xã Quảng Vinh). Ngoài ra, khi lợn gặp bệnh, bà con điều trị không đúng cách khiến lợn càng giảm sức đề kháng”, ông Lự nói.

Trao đổi về tin đồn dịch heo tai xanh, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, thời điểm này, giá lợn hơi đang rẻ, một số tư thương ép giá người chăn nuôi, nên họ tung tin đồn thất thiệt. “Nguyên nhân lợn chết ở Quảng Điền là do bị nhiểm khuẩn ecoli dạng độc tố, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng, như nôn tháo, sưng khớp, sốt… Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và xác định liệu trình điều trị hàng ngày. Khi lợn bị giảm sức đề kháng (ảnh hưởng thời tiết), người dân tự ý điều trị, không đúng quy trình sẽ bị rối loạn đường ruột do độc tố dạng nặng chứ không phải dịch heo tai xanh như tin đồn”, ông Hưng khẳng định.

Trước tin đồn thất thiệt, các chính quyền địa phương tại Quảng Điền đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc mua bán của các thương lái, tổ chức tuyên truyền các liệu pháp điều trị. Ông Phan Văn Lự chia sẻ: “Vừa qua, chúng tôi tiến hành mở các cuộc họp với bà con chăn nuôi lợn, đốc thúc bà con tiêu độc khử trùng chuồng trại, nắm số lượng lợn bị bệnh để tiêm chủng vắc xin phòng bệnh kịp thời. Tình trạng này trước đây đã xuất hiện nhiều. Đây là những loại bệnh thông thường, bà con không nên lo lắng. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không nên vì giá rẻ là bán lợn non, phải tuân thủ quy trình nuôi, xuất chuồng đúng trọng lượng. Nếu lợn đau ốm phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm, hiện công tác phòng bệnh đang được chú trọng, bà con đang áp dụng phác dồ điều trị mới-kháng sinh đồ, có tính chất mẫn cảm và hiệu quả cao. “Tại hai xã Quảng Vinh và Quảng Thái, chúng tôi đã tố chức tiêm phòng cho mỗi xã đến 2.000 liều. Đưa về 360 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng hàng ngày. Thời điểm giao mùa nên heo dễ bị bệnh, chết. tỉ lệ 5-6% vẫn nằm ở mức cho phép. Bây giờ tình hình đã ổn định, lợn bị bệnh cơ bản đã được điều trị”, ông Hưng cho hay.

Thọ - Khánh

.