Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An vận động thành lập tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển
Vững tin phát triển kinh tế
Phó Bí thư Đảng ủy xã A Đớt - Phạm Văn Đảng (cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt tăng cường cho xã biên giới) mở đầu câu chuyện: “Từ ngày về xã, qua tìm hiểu thấy được lực lượng lao động trẻ đa số thiếu việc làm, mình liền tham mưu cho Đảng ủy xã chỉ đạo Đoàn Thanh niên phân công cán bộ xã đoàn về sinh hoạt cùng các chi đoàn để tìm hiểu nguyện vọng của thanh niên, xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tập huấn nghề cho lực lượng này và tuyên truyền nâng cao nhận thức trong thanh niên về phát triển kinh tế hộ gia đình”. Đảng ủy xã phát động mỗi đảng viên phải thực hiện một mô hình kinh tế có hiệu quả để nhân rộng trong dân. Nhiều đảng viên tiên phong đăng ký mô hình chăn nuôi dê kết hợp trồng cây công nghiệp, mô hình trồng tre lấy măng kết hợp đào ao nuôi cá. Bản thân Phó Bí thư Đảng ủy cũng đăng ký mô hình nuôi cá giống. Cách làm của anh là đầu tư vốn tích lũy được từ đồng lương, rồi tìm hiểu kỹ thuật để hướng dẫn cho các hộ dân thực hiện nuôi. Khi thu hoạch, anh Đảng lấy lại vốn để tái đầu tư cho hộ khác, số tiền lãi hộ nuôi đó hưởng. Từ đó, các hộ khó khăn có nguồn vốn đầu tư cá giống phát triển mô hình kinh tế cho gia đình...
Anh Hồ Văn Đoát, ở thôn Barít, xã A Đớt, một trong những hộ vươn lên bằng mô hình nuôi cá, bộc bạch: “Nhờ bộ đội biên phòng giúp nguồn vốn và hướng dẫn phương pháp nuôi cá nước ngọt, gia đình mình mới khá lên như bây giờ!”...
Đoàn kết trên biển
Từ thành công mô hình tổ tàu thuyền đoàn kết của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền các xã Phú Thuận, Phú Hải và thị trấn Thuận An thành lập được 20 tổ tàu thuyền đoàn kết, với trên 100 tàu công suất lớn. |
Chiều trên cửa biển Thuận An (Phú Vang) thật êm ả. Đi trên cảng cá tấp nập tàu bè, Trung tá Trần Công Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Thuận An, tâm sự: “Để đem lại niềm vui cho bà con là cả một bài toán khó, nhất là đối với vùng biển miền Trung đầy khắc nghiệt này”.
Bài toán đó được nêu ra cách đây hơn 5 năm, khi đại đa số ngư dân nơi đây không còn tha thiết bám biển do giá dầu tăng cao, cộng với cơn bão khủng hoảng tài chính ập đến. Hải sản đánh bắt vào bờ lại ế ẩm, tư thương ép giá… Anh Thắng chỉ về con tàu đang từ từ cập bến của gia đình anh Nguyễn Văn Lợi, ở xã Phú Thuận, bảo: “Anh Lợi trước đây từng có ý định bán tàu đánh cá để chuyển đổi ngành nghề, vì không đi biển được tức là đồng nghĩa với thất nghiệp. Lúc đó tình hình an ninh trật tự ở địa phương phức tạp lắm!…”.
Với quyết tâm giúp dân bám biển, Ban Chỉ huy đồn giao trách nhiệm cho Đội vận động quân chúng tiếp cận với ngư dân và lắng nghe các ý kiến đề xuất của ngư dân. Ý tưởng xây dựng mô hình “Tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển” hình thành từ đó và được triển khai với đầy đủ các quy chế phối hợp giúp ngư dân liên kết với nhau, hỗ trợ nhau trong đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm và tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển. Anh Nguyễn Văn Muôn, thôn An Dương, xã Phú Thuận nói rằng: “Nhờ có tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển ra đời mà người dân chúng tôi gần gũi, giúp nhau bám biển đánh bắt thủy hải sản và hăng hái thi đua tăng năng suất, sản lượng.
Ngay những ngày đầu thành lập, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã trích nguồn kính phí trên 125 triệu đồng mua các thiết bị cứu sinh trang cấp cho các tổ tàu thuyền đoàn kết và ngư dân trên tàu. Mỗi tổ tàu thuyền đoàn kết được tặng 1 phao bè, 10 phao tròn và 10 áo phao cứu sinh giúp bà con an tâm trong lao động sản xuất trên biển và phòng ngừa tại nạn rủi ro do thiên tại gây ra.
Bài, ảnh: BÁ TRÍ