Nhưng, bán xong cho 3 em kia, thay vì đến phiên thằng bé, lại có mấy em khác ào đến, tay dí tiền, miệng giục “bán cho em, mau mau, trễ học”. Chị bán xôi lại lấy tiền, lại nhoay nhoáy xới xôi cho khách hàng mới, bỏ mặc thằng bé đang kiên nhẫn đừng chờ. Em cũng trễ học vậy - thằng bé lẩm bẩm trong bụng nhưng không dám nói ra. Đến lúc nhận được hộp xôi, đến cổng trường thì trống vừa điểm. Vậy là phải học đói, chờ ra chơi mới ăn sáng được.

Dạo khác, đổi món từ xôi sang bánh mỳ, thằng bé cũng gặp tình trạng tương tự như chỗ chị bán xôi. Tội nghiệp, xôi để ra chơi ăn còn khả dĩ. Bánh mỳ để từ sáng cho đến giờ ra chơi nó nhàu nhĩ, nguột ngắt nguội ngơ đến nẫu lòng.

- Người ta có mồm, con không có mồm sao? Mình tới trước, phải hối thúc cho người ta bán trước chứ. Cứ đứng chờ, câm như hến rứa thì bao giờ mới tới phiên?

Nghe mẹ mắng, thằng bé chỉ im lặng. Nhưng những lần sau, thấy nó đã rút kinh nghiệm. Tay cũng dứ dứ tiền, miệng cũng hối thúc người bán. Nhiều lần như thế, đến bây giờ thì nó đã có hẳn kỹ năng mua đồ ăn sáng khá nhanh. Thậm chí, đến sau vẫn mua được trước. Mẹ thằng bé có vẻ hài lòng ra mặt. Nhưng bố thằng bé thì thở dài khi nghe chuyện. Ngồi cà phê với tôi, anh bảo: Chính người lớn đã tạo cho lũ trẻ thói quen, tâm lý chụp giật. Nếu chị bán xôi, cô bán bánh mỳ công tâm, ai tới trước bán trước, tới sau bán sau. Nếu đắt hàng quá mà sợ mất khách (vì không phục vụ kịp) thì kéo thêm người phụ bán. Rồi mẹ thằng cu, nếu thấy đông quá, thay vì chở con đến quán khác thì lại bày và khuyến khích con “chen lấn xô đẩy”. Cứ cái đà như vậy, xứ mình đến bao giờ mới văn minh?

Hàn Yên