Đoàn thăm dò cùng đại diện các cơ quan chức năng tại buổi công bố kết thúc đợt thăm dò

Phát hiện nền đá rộng 5,5m

 Đích thân PGS.TS Bùi Văn Liêm, Viện phó Viện Khảo cổ học, người chủ trì cuộc thăm dò đã thông báo rằng tất cả 5 hố thăm dò đã được mở đúng theo trình tự, thời gian mà Quyết định do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã đề ra. Nhưng thú vị nhất là ở hố số 5. Tại hố này, đoàn thăm dò đã phát hiện một nền đá với chiều rộng 2,6m2 xếp chồng lên nhau, bên trên có các lớp vữa. 

Ngay sau đó, ông Liêm đã quyết định cho mở hố phụ sang cạnh nhà một hộ dân khác để tiếp tục tìm kiếm các dấu tích. Và điều bất ngờ là ở hố phụ, đoàn đã phát hiện nền đá xếp chồng lên nhau. Như vậy, tổng chiều rộng của nền đá 5,5m, riêng chiều dài vẫn còn phát triển. Riêng lớp vữa ở trên cũng phân bố rộng, nhưng có cùng giai đoạn hay không thì vẫn phải tiếp tục nghiên cứu. Theo ông Liêm, đó là những tín hiệu tốt. Nền đá ở hố số 5 cho thấy  từng có sự xuất hiện của một kiến trúc lớn ở khu vực này.

“Tất cả cần phải chỉnh lý khoa học, phân tích mẫu, nghiên cứu đối sánh. Ngoài ra, tôi cũng sẽ kiến nghị các cấp thẩm quyền mở rộng diện tích khai quật để biết được chiều rộng, chiều dài của nền đá này. Cùng với đó, cần có sự vào cuộc của các bộ môn khoa học khác như địa chật, lý hóa mới có thể đưa ra kết luận ban đầu”, ông Liêm nhấn mạnh. Trước mắt, sẽ bảo tồn hố này bằng cách che bạt lên, sau đó lấp cát để tạo ra lớp khác biệt, tiện cho việc tiếp tục nghiên cứu sau này.

Sẽ công bố thông tin cụ thể sau 3 tháng

Như vậy, tất cả bố hố thăm dò ở chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước và nhà ông Nguyễn Hữu Oánh chính thức được lấp lại như hiện trạng ban đầu. Riêng ở hố số 5 tại số nhà 13/120 Điện Biên Phủ (TP. Huế) sẽ được lấp theo phương án bảo tồn. Có mặt tại buổi công bố kết thúc đợt thăm dò, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – người từng xác định có sự tọa lạc cung điện Đan Dương của vua Quang Trung, và cũng là nơi chôn cất thi hài vua sau khi qua đời ở khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An, TP. Huế) tỏ ra xúc động. Ông Xuân nói rằng, những phát hiện một hệ thống kiến trúc đá bị chôn sâu dưới lòng đất trùng với cơ sở nghiên cứu mà ông đã bỏ công hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu. Ông đề nghị: “Các ngành chuyên môn nên tiếp tục thực hiện nghiên cứu dẫu gặp nhiều khó khăn”.

Hố phụ được mở cạnh hố số 5 để tìm kiếm dấu tích các lớp đá

Về phía bảo tàng, Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử tỉnh cho hay, tất cả các hiện vật phát hiện được trong quá trình thăm dò khảo sát gò Dương Xuân sẽ được đưa về bảo tàng. Sau đó tiến hành lau chùi, sắp xếp cẩn thận trước khi chuyên gia can thiệp về mặt chuyên môn. Riêng những hiện vật trên bề mặt đất sẽ được tập trung về một điểm, phối hợp cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhà chùa trưng bày để người dân, du khách có thể tham quan. Ông Hùng cũng khẳng định một lần nữa, cho đến giờ phút này, mọi việc vẫn chưa có kết luận chính thức.

Tại buổi kết thúc thăm dò, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao ghi nhận sự đóng góp của các chuyên gia trong đợt thăm dò lần này cũng như sự đồng thuận của người dân ở các địa điểm mở hố. Ông Dũng nói rằng, những gì trong đợt thăm dò đã được các chuyên gia trình bày một cách cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên muốn rõ ràng hơn, phải tiến hành khai quật khảo cổ. “Để khẳng định triều đại nào, cần có sự tham gia của nhiều chuyên ngành khác nhau. Tôi đề nghị bảo tàng lập hồ sơ một cách cụ thể, đầy đủ và rõ ràng nhất và tập trung vào vấn đề chỉnh lý hiện vật”, ông Dũng bày tỏ.

Chuyên gia Viện Khảo cổ học tiến hành đo đạc, vẽ lại trước khi cho lấp bảo tồn hố số 5

Kết thúc đợt thăm dò lần này, ông Liêm nói rằng sẽ công bố thông tin với báo chí và người dân vào ba tháng sau, trước khi hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng.

Phan Thành