Làm thế nào giải quyết được tình trạng thưa vắng bệnh ở tuyến cơ sở, khắc phục sự quá tải ở các bệnh viện tuyến trên để chăm sóc sức khoẻ cho người dân tốt hơn. Đó là một trong những vấn đề mà bà con cử tri thị xã Hương Thuỷ đặt ra trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh trong những ngày vừa qua. Đây cũng không phải là vấn đề mới nhưng để đi đến một sự hợp lý và thấu đáo lại cần cách nghĩ, cách hiểu của chính người dân khi tự mình phân tuyến trong khám chữa bệnh.

 

Hệ thống phòng khám tư nhân cũng là một tuyến để giảm tải bệnh nhân - ảnh H.N

 

Cũng cần phải nói thêm rằng, bên cạnh Bệnh viện đa khoa tỉnh sắp đưa vào hoạt động từng phần vào cuối quý 3 đầu quý 4, bằng nguồn vốn từ chương trình y tế sự phòng, 4 trung tâm y tế Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc đã được đầu tư gần 4 tỷ đồng mỗi trạm (chưa kể vốn đối ứng) để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Cùng với sự tham gia của hệ thống phòng khám, bệnh viện tư nhân, Thừa Thiên Huế còn có thêm Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Răng hàm mặt và sắp tới là Bệnh viện Tâm thần. Đây là các bệnh viện chuyên khoa, được trang bị và có đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế có nghề. Điều đáng nói hơn là bệnh nhân đến khám và chữa bệnh ở đây được chăm sóc bằng các kỹ thuật y tế hiện đại nhưng chi phí thấp hơn...

Như vậy, vấn đề không phải là cơ sở, trang thiết bị để chăm sóc sức khoẻ cho người dân mà vấn đề lại ở chính người dân. Nói một cách khác đi, đó là thói quen đã tạo ra áp lực khi các bệnh viện tuyến trên luôn ở trong tình trạng quá tải, thậm chí số giường bệnh luôn ở tình trạng gấp đôi như ở Bệnh viện Trung ương Huế. Điều ấy cũng có nghĩa là, khi người dân tuân thủ được các quy trình trong khám chữa bệnh, không nóng vội...thì việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám chữa bệnh sẽ thực sự có hiệu quả hơn và giải quyết được nhiều vấn đề một cách rốt ráo hơn từ nhiều phía.

Theo trình bày của PGS-TS Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh tại buổi làm việc với Ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh, tính đến thời điểm này, 89% các trạm y tế tuyến có bác sĩ cơ hữu tại trạm và 100% trạm có hoạt động của bác sĩ, trong đó 2 huyện vùng cao Nam Đông và A Lưới có tỷ lệ bác sĩ tại trạm cao nhất nước... Nhưng việc đứng trong top đầu về chăm sóc sức khoẻ ban đầu của người dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế so với cả nước không chỉ ở con số này mà còn được nhìn nhận từ các thông số khác. Chẳng hạn như không chỉ được đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện 104/152 trạm y tế đã được trang bị máy siêu âm. 48 trạm còn lại đã được nhà tài trợ chuyển tiền để tiếp tục trang bị trong thời gian sớm nhất. 100% trạm đều chủ động được về mặt sản khoa thông thường và cũng đều có máy phun thuốc phòng dịch, có vườn thuốc nam...Đây cũng được xem là sự giám sát và “can thiệp”sớm khi đã gần hết 6 tháng đầu năm nhưng Thừa Thiên Huế không có dịch bệnh xảy ra trên diện rộng; đồng thời, Thừa Thiên Huế vẫn đang cố gắng kiểm soát, không để xảy ra tai biến sản khoa như một số tỉnh, thành khác.

Hạnh Nhi