Chống chịu phèn mặn

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh đưa vào gieo cấy trên 50 nghìn ha lúa, trong đó, có hàng nghìn ha nằm ở vùng ven phá thường bị ảnh hưởng bởi chua phèn (lúa gieo từ 10-15 ngày thì chết). Việc đưa vào sản xuất các giống lúa phù hợp với vùng đất chua phèn đang được các địa phương tích cực triển khai.

Thử nghiệm giống lúa mới cho vùng đất ven đầm phá

Hàng năm, HTX Mai Phước (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), đưa vào sản xuất hơn 200 ha lúa. Trong đó, có gần 1/3 diện tích nằm ven đầm phá, thường xuyên bị thiệt hại do chịu ảnh hưởng chất phèn mặn. Từ năm 2015, được sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện, HTX Mai Phước đã đưa vào sản xuất 32 ha giống lúa Ma Lâm 48 (ML48) với 202 hộ dân tham gia trồng tại các xứ đồng Tam Tứ Đạt, Mơn Cát, Thạch Bàn, Lục Tụng.

Anh Nguyễn Bá Khánh, Cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Quảng Phước đánh giá: “Qua hai vụ thử nghiệm giống ML48 cho thấy, đây là giống lúa chống chịu chua mặn vùng ven phá, kết quả trong vụ hè thu cho năng suất 67 tạ/ha, giá bán ra thị trường cao hơn giống TH5. Mô hình này dự kiến nhân rộng vào vụ đông xuân 2016-2017 tại HTX Đông Phước, với diện tích 25ha tại xứ đồng Bàu Gốc và bàu Kim Ngọc. Ngoài ra, địa phương cũng đang thử nghiệm giống lúa RVT ở vùng đất nhiễm mặn ven phá tại một số HTX trên địa bàn”.

HTX Sịa 2 (thị trấn Sịa) là vùng thấp trũng, nằm ven phá Tam Giang của huyện Quảng Điền. Hàng năm, HTX này đưa vào sản xuất chừng 270 ha lúa với các giống truyền thống như TH5, Khang Dân với nhiều phương thức canh tác theo tập quán cũ. Trong đó, có 90 ha thường xuyên bị nhiễm chua phèn nặng, vụ hè thu thường xảy ra hiện tượng lúa chết sau 10-15 ngày gieo, khiến nhiều diện tích phải gieo sạ hoặc cấy lại rất tốn kém, mất công.

Ông Hồ Tân, Giám đốc HTX Sịa 2 cho biết: “Nhằm nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho bà con nông dân có cơ hội tiếp cận với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế sản xuất lúa trên một số vùng trồng lúa như đất bị nhiễm chua phèn. Vụ hè thu 2016, HTX đã triển khai mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất nhiễm phèn, mặn ven phá” với diện tích trên 20 ha bằng giải pháp đưa giống lúa ML48 chịu mặn và bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa thông qua việc bón lót phân hữu cơ vi sinh và phân bón lá siêu Kali”. Thời gian tới HTX Sịa 2 sẽ đưa giống ML48 vào cơ cấu giống của HTX sản xuất trên 90 ha bị nhiễm chua phèn.

Nhân rộng mô hình

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục TT&BTTV tỉnh, cho hay: “Từ sự thành công một số mô hình điểm thử nghiệm các giống lúa mới thích ứng với vùng đất chua phèn, vụ hè thu vừa qua, được sự hỗ trợ kinh phí của Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã phối hợp với một số HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng mô hình: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất nhiễm phèn, mặn ven phá” tại một số HTX như Phú Thanh 2 (xã Phú Thanh, huyện Phú Vang), Kế Môn (xã Điền Môn, huyện Phong Điền) và HTX Sịa 2 (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền)”. Mô hình có sự tham gia của hàng trăm hộ nông dân tại các HTX trên địa bàn tỉnh. Qua các hội nghị đầu bờ, các cán bộ nông nghiệp xã, nông dân trong và bên ngoài mô hình có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình giống lúa thích ứng với vùng đất chua mặn ven phá.

Thử nghiệm giống lúa mới cho vùng đất ven đầm phá

Qua báo cáo kết quả thực tế triển khai của các HTX thực hiện mô hình, năng suất lúa các giống như ML48, RVT... cao hơn từ 300-400kg/ha, lợi nhuận thu được cao hơn từ 1.300.000-1.500.000đ/ha so với ruộng làm theo cách bón phân của nông dân trên các chân đất bị nhiễm phèn, mặn truyền thống. Ngoài ra, kinh nghiệm sản xuất của nông dân cũng cho thấy, bón vôi khi làm đất có tác dụng cải tạo đất, nguồn nước, hạn chế ngộ độc trên cây lúa trong vùng thực hiện mô hình; việc bón lót đã giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển nhanh ngay từ đầu vụ; ruộng mô hình sử dụng phân lót hữu cơ giúp cải tạo đất, làm bộ rễ mạnh hơn, cây sinh trưởng khỏe hơn, hạn chế sâu bệnh gây hại...

Ông Hồ Vang, PGĐ Sở NN&PTNT đánh giá: “Hàng năm trên địa bàn tỉnh đưa vào sản xuất 25-27 nghìn ha lúa/vụ, trong đó có hàng nghìn ha nằm ven chân phá, vùng đất chua phèn, cây lúa bị ảnh hưởng. Do vậy, qua thành công của mô hình đã được triển khai tại một số HTX trên địa bàn, là cơ sở để Chi cục TT&BVTV tỉnh có những định hướng chỉ đạo sản xuất trong các vụ đến, đồng thời các HTX đã triển khai thực hiện cần nhân mở rộng mô hình cho các vùng sản xuất có cùng tính chất lân cận”.

NGUYỄN KHÁNH