Toàn xã thu nhập trên 20 tỷ đồng

Cây thanh trà Phong Thu được bà con nông dân du nhập giống từ TP. Huế trồng từ trước ngày giải phóng năm 1975. Ban đầu, thanh trà được trồng nhiều ở thôn Khúc Lý Ba Lạp, Trạch Hữu. Đến nay, thanh trà đã được nhân rộng ở 8 thôn thuộc xã Phong Thu. Do được phù sa dòng sông Ô Lâu bồi đắp hàng năm nên cây thanh trà Phong Thu phát triển khá tốt. Chất lượng, sản lượng thanh trà Phong Thu có thể sánh ngang với thanh trà Thủy Biều, Hương Hồ. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cây thanh trà.

Với vườn cây thanh trà của mình, ông Phan Xuân Hùng có thể thu nhập gần 200 triệu đồng/năm

Ông Phan Xuân Hùng, thôn Huỳnh Liên là hộ dân có thu nhập từ thanh trà cao nhất của xã Phong Thu. Bắt đầu trồng thanh trà từ năm 1977, đến nay vườn của ông Hùng đã có trên 200 cây. Ngoài ra, ông trồng thêm nhiều giống cây ăn quả khác như: bưởi da xanh, bưởi hồng, bưởi đỏ, cam, quýt… Hàng năm vườn cây của ông cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng. Riêng năm 2016, ông Hùng thu nhập gần 200 triệu đồng. Theo ông Hùng, vùng đất Phong Thu rất hợp với cây thành trà và các cây ăn quả khác. Nếu người dân chịu khó chăm bón, nắm rõ tình hình sâu bệnh, kỹ thuật trồng thì sẽ thành công.

Không riêng gì ông hộ ông Hùng, xã Phong Thu có rất nhiều vườn cây thanh trà phát triển tốt, năng suất cao, mang lại thu nhập cho người dân khá ổn định. Tại thôn Vân Trạch Hòa có hộ bà Lê Thị Thắm, ông Trần Thanh Viết hàng năm cũng cho thu nhập ngót nghét 100 triệu đồng. Theo nhiều người dân Phong Thu, năm 2016, thanh trà được giá nên nhiều hộ gia đình đã có “của ăn của để”.

Ông Trần Quang Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thu cho biết, toàn xã trồng 90 ha thanh trà, trong đó 80% đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi sào thanh trà cho doanh thu từ 12 đến 15 triệu đồng. Riêng năm 2016, toàn xã cho thu nhập trên 20 tỷ đồng.

Đẩy mạnh đầu tư

Mặc dù cây thanh trà phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định, nhưng do việc trồng cây thanh trà của bà con nông dân chủ yếu là tự phát, không có quy hoạch, thiếu hướng dẫn kỹ thuật và nhất là cơ sở hạ tầng về thủy lợi chưa đồng bộ, ảnh hưởng rất lớn đến thâm canh tăng năng suất, chất lượng quả cũng như phòng, chống sâu bệnh. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, cây thanh trà phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, UBND xã Phong Thu đã quy hoạch xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn” trồng cây thanh trà. Năm 2015, dự án cánh đồng lớn được hình thành với 85 hộ tham gia.

Ông Trần Quang Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thu cho biết, từ chủ trương cũng như quy hoạch, người dân xã Phong Thu hưởng ứng rất nhiệt tình. Đến nay, 12 ha thanh trà ở vùng “Cánh đồng lớn” đã hình thành. Trong đó, thôn An Thôn có 6,27ha, thôn Hữu Trạch có 5,93 ha. Đây là vùng có diện tích tập trung, liền vùng, liền thửa, được thực hiện theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, hình thành nên vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Qua 1 năm triển khai thực hiện, vùng quy hoạch đã cho kết quả tốt, được người dân đồng tình ủng hộ. Từ 30 trái/cây vào năm 2014, năm 2016 cho 100 trái/cây, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân từ cây thanh trà.

Đáp ứng nhu cầu phát triển cây thanh trà của người dân thuộc thị trấn Phong Điền cũng như xã Phong Thu, UBND huyện Phong Điền đã phê duyệt Đề án “Phát triển và nâng cao chất lượng cây thanh trà” với kinh phí gần 664 triệu đồng. Theo đó, 235 hộ thuộc xã Phong Thu được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp phân bón, vật tư để thực hiện. Ngoài ra, UBND xã Phong Thu cũng triển khai đề án “Nhân rộng mô hình cải tạo vườn tạp” với diện tích 9ha. Theo đó, 100 hộ dân được hỗ trợ số vốn 100 triệu đồng nhằm tạo ra vùng tập trung, chuyên canh cây ăn trái chủ lực trên địa bàn huyện.

Ông Quý cho biết thêm, với những dự án mà huyện và xã đang triển khai thì người dân Phong Thu có thể tập trung sản xuất cây thanh trà, đem lại hiệu quả cho chính gia đình mình cũng như tạo điều kiện để xã Phong Thu từng bước xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hải Huế