Những người ủng hộ kêu gọi các nước trên thế giới hỗ trợ cho quỹ khí hậu. Ảnh: Shutterstock |
"Chúng tôi tin tưởng chúng tôi sẽ đáp ứng đầy đủ 100 tỷ USD từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời tái khẳng định cam kết thực hiện điều đó", các quốc gia phát triển cho biết trong một báo cáo tổng hợp của Australia và Anh.
Nguồn quỹ từ cả khu vực công và tư nhân sẽ tăng từ khoảng 62 tỷ USD trong năm 2014 và 52 tỷ USD trong năm 2013.
Trước đó, tại một hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch năm 2009, Chính phủ các nước cam kết huy động 100 tỷ USD/năm kể từ năm 2020 để giúp các nước đang phát triển hạn chế lượng khí thải của họ, đồng thời thích nghi với sóng nhiệt, lũ lụt, bão mạnh hơn và tình trạng nước biển dâng.
Cũng theo nguồn tin trên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây chỉ ra rằng, tài chính chỉ riêng từ các nguồn công sẽ tăng lên mức 67 tỷ USD trong năm 2020, từ mức 44 tỷ USD trong năm 2014.
Hơn 30 Chính phủ, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Canada và Australia đã cam kết nguồn vốn mới trong năm 2015. Qua đó, tài chính khu vực công tăng có thể giúp huy động 33 tỷ USD trong tài chính khu vực tư nhân để đạt mục tiêu 100 tỷ USD, báo cáo nói thêm.
Ngày 4/11 tới đây, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ chính thức có hiệu lực, sau khi nhận được sự ủng hộ từ các nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất, dẫn đầu là Trung Quốc và Mỹ.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & World24news)