Trẻ em khuyết tật tại một trung tâm chăm sóc đặc biệt ở thủ đô Belgrade, Serbia. Ảnh: Reuters

Ánh sáng cho Thế giới (Light for the World), tổ chức từ thiện hỗ trợ nghiên cứu nói trên cho biết, sự kỳ thị và những thông tin sai lệch xung quanh người khuyết tật, cũng như việc thiếu thốn dữ liệu về số lượng trẻ em khuyết tật là những nguyên nhân dẫn đến vấn đề này.

"Mọi người không xem trẻ khuyết tật là một sự đầu tư xứng đáng. Chẳng hạn như, nhiều người nghĩ rằng, không cần đầu tư vào việc giáo dục trẻ khuyết tật bởi chúng không thể làm việc", bà Nafisa Baboo, cố vấn giáo dục hoà nhập của tổ chức Ánh sáng cho Thế giới nói với tờ Reuters.

Trong khi đó, các nhóm nhân quyền khẳng định, hàng tỷ USD thu nhập tiềm năng từ các nước nghèo nhất thế giới đang bị mất đi, bởi tình trạng thiếu giáo dục và việc làm của những người khuyết tật.

Báo cáo của Hiệp hội Khuyết tật và Phát triển Quốc tế (IDDC) nói thêm, bỏ qua trẻ em khuyết tật là một trở ngại chính trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), nhằm mục đích đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng cho tất cả mọi người đến năm 2030.

Qua đó, nghiên cứu trên kêu gọi Chính phủ các nước cung cấp cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục trẻ em khuyết tật theo một hệ thống chính thống.

"Đó không chỉ là hành động đạo đức mà còn là một sự đầu tư thông minh", bà Baboo nhấn mạnh.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & Ibtimes)