Mưa lũ liên tiếp gây sạt lở nhiều điểm trên diện rộng từ sông đến biển, đe dọa các khu dân cư, làm mất đất sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, việc xây dựng các công trình chống sạt lở, bờ kè đang gặp khó khăn do thiếu nguồn lực.

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành kiểm tra sạt lở tại xã Vinh Hải (Phú Lộc)

Lũ qua, “họa” sạt lở

Do ảnh hưởng của các trận lũ, bão vừa qua, các con sông trên địa bàn tỉnh như sông Hương, Bồ, Ô Lâu, Bù Lu đi qua các huyện, thị Phú Vang, Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc, xảy ra nhiều điểm sạt lở mới trên chiều dài 30km ven sông, cùng với những điểm sạt lở cũ khoảng 40km, nhưng chưa được đầu từ xây kè.

Mới đây nhất, tại Tỉnh lộ 4, (khu vực sông An Hòa), đoạn đi qua xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, bị sạt lở, ảnh hưởng giao thông đi lại. Ngay sau khi nhận phản ánh của người dân, lãnh đạo Sở GTVT, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đã kiểm tra, chỉ đạo Công ty Quản lý đường bộ 1 xử lý khẩn cấp điểm sạt lở trên, gắn biển cảnh báo cho người tham gia giao thông biết.

Trước đó, trên sông Bồ cũng xuất hiện tình trạng sạt lở nặng. Tại thôn Thanh Lương 3, phường Hương Xuân sạt lở chiều dài 200m ven bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến 17 hộ đang định cư dọc bờ sông và 200 hộ dân trong khu dân cư. UBND thị xã Hương Trà đã trích kinh phí 200 triệu đồng, huy động 100 công nhân, 20 rọ thép, 400m3 đá hộc, 700m2 vải lọc để xử lý các điểm xung yếu, sạt lở nặng. Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho biết, để tạo điều kiện ổn định đời sống Nhân dân trong vùng, chủ động ứng phó với thiên tai, trong mùa mưa lũ năm 2016, UBND thị xã Hương Trà đã có phương án tổ chức lực lượng ứng cứu, dự phòng vật tư phương tiện để khắc phục sự cố. Tổ chức kiểm tra 17 hộ ven sông Bồ bị ảnh hưởng trực tiếp để cảnh báo và có biện pháp di dời đảm bảo an toàn khi mưa lũ.

Sạt lở biển đe dọa làng mạc, dân cư

Tại xã Phú Diên (huyện Phú Vang), tình trạng xói lở đang đe dọa nhiều tuyến giao thông trong các khu dân cư thôn Phương Diên, nằm sát biển. Ông Nguyễn Ngọc Phường, Trưởng thôn Phương Diên cho biết, do mưa lớn trong mấy ngày qua, đã làm một số tuyến đường bê tông liên thôn dẫn ra biển (trong tổng số 14 tuyến đường toàn thôn) bị xói lở, gây mất ổn định nền đường. Điểm nặng nhất nằm ở xóm ngoài ven bờ biển với chiều dài xói lở 20m. “Do địa hình thôn Phương Diên như chiếc nón, mỗi lần mưa lớn, nước từ trong khu dân cư đổ xối xả ra biển, gây xói lở các tuyến đường. Tại khu vực xóm ngoài, trước đây địa phương đã bỏ kinh phí 340 triệu đồng để kè đá.

Đến nay, mưa lớn lại xuất hiện một số điểm xói lở trở lại”. Tại khu vực cửa biển Lạch Giang (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) cũng sạt lở trên chiều dài 600m, sâu vào đất liền 10-15m.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến nay, tình trạng sạt lở bờ biển vẫn tiếp diễn trên chiều dài 6,5km, sâu bình quân từ 5-10m vào đất liền, tập trung ở các khu vực như Quảng Công (huyện Quảng Điền), Vinh Hải (huyện Phú Lộc), Phú Thuận, Phú Diên (huyện Phú Vang).

Tập trung đầu tư vùng xung yếu

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng mưa lũ, trong thời gian qua đã có 75km đường bờ sông, biển trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, đe dọa nhiều khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, xung yếu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Trước tình trạng sạt lở biển đang diễn ra phức tạp, trên diện rộng, UNND tỉnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa vào chương trình nâng cấp đê biển, có kế hoạch đầu tư xây dựng, hiện đang được các cơ quan chức năng quan trắc, theo dõi, diễn biến xâm thực bờ biển để có phương án đầu tư cụ thể. Theo đó, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án còn dang dở 8,3km; tiếp tục đầu tư 136km đê biển còn lại và 137 cống trên đê chưa được nâng cấp. Với các khu vực sạt lở ven sông, vùng trọng điểm, trước mắt UBND các huyện, thị xã đã có phương án gia cố kè chống xói lở, về lâu dài có kế hoạch đầu tư cụ thể. Vừa qua, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng các bộ ngành liên quan về công tác khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới và mưa lũ xảy ra trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống sạt lở bờ sông và bờ biển.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho rằng, trong điều kiện khả năng cần đối ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư xây kè trước mắt 20km, với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, xây dựng công trình chống sạt lở bờ sông Bồ, sông Hương đoạn qua địa bàn các huyện, thị Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ để xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển tại các xã Phú Thuận, Vinh Hải, Quảng Công.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay, nguồn kinh phí xây dựng các công trình chống sạt lở ven sông, biển chủ yếu dựa vào nguồn vốn Trung ương, nên các ban ngành chỉ tập trung đầu tư các vùng xung yếu, trọng điểm như xây dựng tuyến đê kè chống sạt lở trên chiều 1km qua địa bàn xã Quảng Công. Hiện nay, tại khu vực này đã triển khai xây dựng kè biển chống sạt lở, giao cho Ban Đầu tư và Xây dựng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 150 tỷ đồng, thời gian thực hiện 3 năm. Trong giai đoạn này, nguồn vốn đã bố trí được 30 tỷ đồng. Tại khu vực cửa Lạch Giang cũng nằm trong kế hoạch bố trí nguồn vốn của tỉnh giao cho Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện xây dựng công trình chống sạt lở, xâm thực biển. Tỉnh cũng đang xúc tiến xây dựng các khu tái định cư, để tiếp tục bố trí đưa người dân vùng ảnh hưởng sạt lở vào ở, ổn định cuộc sống.

Kiểm tra tình hình sạt lở biển tại Vinh Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao: Huy động mọi lực lượng giữ đất, bảo vệ dân

Chiều 18/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao có buổi kiểm tra tình hình sạt lở biển, nước mặn xâm thực tại xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc). Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và đại diện một số sở, ngành liên quan.

Tại xã Vinh Hải, tình trạng sạt lở bờ biển kéo dài trên 2,5km, ảnh hưởng đến 4 thôn trên địa bàn. Tình trạng xâm thực biển ảnh hưởng trực tiếp tới 16 hộ dân và 250 ha đất trồng hoa màu và vùng nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2013, UBND tỉnh đã trích kinh phí 2,5 tỷ đồng giao Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn gia cố đoạn kè xung yếu trên chiều dài 300m dọc biển Vinh Hải bằng rọ đá. Đến nay, do ảnh hưởng mưa bão, sóng lớn kết hợp với triều cường đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, xâm thực mới. Đặc biệt, có điểm nước biển tràn qua đê cát vào khu đất sản xuất nông nghiệp, lấp một số đoạn đường ven biển.

Sau kiểm tra, khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cùng với UBND huyện Phú Lộc có giải pháp quyết liệt, kịp thời, huy động mọi lực lượng, tập trung nhân lực, vật lực, quyết tâm khắc phục những đoạn bị sạt lở nặng, kiên quyết giữ đất, bảo vệ dân, bảo vệ các công trình đang thi công ven biển. Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý phương án trước mắt là sử dụng vải bạt mềm độn đất gia cố ở những điểm xung yếu, điểm xâm thực từ bờ đê vào đất sản xuất nông nghiệp. Sau đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh lập phương án, dự toán từ nguồn kinh phí của tỉnh để dùng rọ đá, vật liệu gia cố đê chống sạt lở những điểm còn lại. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ đề xuất Chính phủ bố trí kinh phí xây kè chống sạt lở tại đây.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Nguyễn Văn Cao có chuyến kiểm tra công tác niêm yết danh sách, chi trả tiền đền bù hỗ trợ do sự cố môi trường biển tại các xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc), Phú Thuận, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và công bằng việc chi trả tiền đền bù, đảm bảo đúng đối tượng; người dân cần sử dụng nguồn tiền hỗ trợ, đền bù hiệu quả, có kế hoạch, đảm bảo sinh kế lâu dài.

HÀ NGUYÊN