Những tác phẩm bước ra từ chiến trận
Năm 1971, đang học năm thứ 3 Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh sinh viên Lê Duy Ứng xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Là lính trinh sát của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Lê Duy Ứng chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên, tham gia bảo vệ thành cổ Quảng Trị.
Tác phẩm "Bác Hồ với thiếu nhi" |
Ngày ấy, hành trang của chiến sĩ trẻ Lê Duy Ứng ngoài ba lô, cây súng còn có màu nước, giấy vẽ, bút chì. Trong bom đạn ác liệt, anh say mê ký họa mọi lúc mọi nơi, từ những nơi trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu đến huấn luyện, hành quân và cả những phút giải lao... Tất cả hình ảnh của một thời máu lửa đều được anh khắc họa một cách sinh động với bút pháp điêu luyện. “Trên đường chiến đấu, vẽ giúp tôi được thỏa niềm đam mê. Giữa 2 trận chiến, tôi vẽ tất cả những gì mình ấn tượng: cảnh đưa cơm ra chốt, cảnh bắt tù binh, bộ đội vật lộn với giặc, những ngày gian khổ ở hầm mưa dầm, chân dung những người tôi gặp, đặc biệt là chủ đề về Bác Hồ”, họa sĩ Lê Duy Ứng chia sẻ.
Những ký họa giản dị ấy là bộ nhật ký bằng tranh phản ánh trung thực, sống động đời sống sinh hoạt và chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Tranh ký họa chiến trường của họa sĩ Lê Duy Ứng chỉ vẽ bằng màu nước và chì với những gam màu trầm nhưng chứa đựng trong đó những khát khao cháy bỏng về ngày toàn thắng của dân tộc. Xem tranh của ông, người xem có thể cảm nhận được niềm lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng của những con người đang phải sống, chiến đấu trong sự thiếu thốn, gian khổ, khốc liệt của chiến tranh.
Vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu
Trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Lê Duy Ứng có hơn 3.000 bức tranh, tượng về Bác Hồ, bởi đây là đề tài ông yêu mến và ấp ủ. Với ông, Bác Hồ luôn là niềm tin, ánh sáng.
Họa sĩ Lê Duy Ứng giới thiệu tác phẩm với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện |
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông bị súng chống tăng của địch bắn bị thương nặng. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, ông quệt máu chảy ròng ròng từ đôi mắt bị thương vẽ chân dung Bác Hồ, cờ Tổ quốc, cờ Đảng và ghi dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin, con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”, rồi ngất đi. “Chân dung Bác Hồ” là bức ký họa cuối cùng họa sĩ vẽ tại chiến trường đầy bom đạn ác liệt. “Lúc ấy, tôi ngỡ mình sắp hy sinh. Trong bom đạn ác liệt và đau đớn, hình ảnh của Bác vẫn ngời sáng trong tâm trí khiến tôi tỉnh táo lạ kỳ”, họa sĩ Lê Duy Ứng nhớ lại.
Ông được đưa ra tuyến sau chữa trị. Những ngày điều trị ở Nha Trang là lúc ông phải đấu tranh tư tưởng nhiều nhất. Người họa sĩ cần thấy ánh sáng để vẽ đường nét, màu sắc nhưng giờ ông không còn nhìn thấy gì. Nhiều lúc ông chỉ muốn chết khi phải chìm trong bóng đêm. Có người đã khuyên và kể với ông chuyện một người mù ở Liên Xô nặn tượng rất giỏi. Đó như hướng mở của cuộc đời ông. Họa sĩ Lê Duy Ứng làm quen với việc nặn tượng. Bức tượng đầu tiên ông tạc là tượng Bác Hồ, bên dưới khắc dòng chữ: “Hỏng mắt, con tạc tượng Người. Niềm tin, ánh sáng trọn đời trong con”. 8 năm sống trong bóng tối, ông đã nặn và tạc 50 tác phẩm tượng. Lúc này, ông vẫn vẽ tranh bằng cảm nhận và ký ức. Những nét vẽ đứt quãng bằng hai màu đen, trắng được ông thể hiện rất sinh động, nhất là chân dung Bác.
Năm 1982, họa sĩ Lê Duy Ứng được ghép mắt và nhìn thấy ánh sáng. Sau chiến tranh, ông là thương binh 1/4, mất sức 91% với nhiều thương tật nặng. Đôi mắt giờ rất yếu nhưng ông vẫn say mê sáng tạo nghệ thuật về nhiều đề tài của cuộc sống. Tranh, tượng của ông được triển lãm ở nhiều tỉnh, thành khác nhau và cả ở nước ngoài, như: Thụy Điển, Nhật Bản... Lần đầu tiên triển lãm ở Huế, ông vui lắm. Với ông, về Huế như được trở về nhà. Trước đây, gia đình ông ở khu tập thể Đống Đa, Huế trong ông gắn liền với nhiều kỷ niệm...
Trang Hiền