Các thí sinh theo dõi thông tin tuyển sinh tại Trường CĐ Công nghiệp Huế

Thưa vắng thí sinh

Nhắc đến tình hình tuyển sinh năm học 2015-2016, thạc sĩ Nguyễn Trọng Chiến, Hiệu trưởng Trường trung cấp Âu Lạc bảo, quá bi đát. Năm học này, trường tuyển sinh 5 ngành TCCN (điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ, thú y, sư phạm mầm non) và 2 ngành TCN (kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật sửa chữa máy tính) với 740 chỉ tiêu. Đến thời điểm này, chỉ tuyển được 133 chỉ tiêu, trong đó ngành điều dưỡng chỉ được 5 chỉ tiêu, kỹ thuật sửa chữa máy tính được 2 chỉ tiêu nên không mở lớp mà phải vận động các em chuyển qua ngành khác hoặc trả lại hồ sơ. “Chưa bao giờ việc tuyển sinh rơi vào khó khăn như vậy. Có năm đỉnh điểm trường tuyển được 1.200 chỉ tiêu, đào tạo ra trường có công việc ổn định, nhưng giờ thì quá khó khăn”, ông Chiến ưu tư.

Rơi vào tình trạng tương tự là bậc đào tạo trung cấp của Trường cao đẳng Công nghiệp Huế. Mặc dù được cho phép tuyển sinh 15 ngành, do số lượng học sinh theo học “xuống dốc”, năm nay trường chỉ thông báo tuyển sinh 6 ngành hiện vẫn còn thu hút học sinh, gồm kế toán doanh nghiệp, tin học ứng dụng, cơ khí động lực, công nghệ kỹ thuật nhiệt điện, điện công nghiệp và dân dụng, công nghệ thực phẩm. Vậy mà đến giờ, vẫn chỉ tuyển được hơn 210/500 chỉ tiêu đặt ra. Ông Nguyễn Hữu Châu Giang, Trưởng phòng Đào tạo – Công tác sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế kể, mấy năm trước thông báo tuyển sinh nhưng do không đủ chỉ tiêu nên trường mới rút gọn, tuyển sinh 6 ngành. “So với năm trước, kỳ tuyển sinh năm nay trường tiếp tục giảm 20-30% chỉ tiêu thí sinh nộp hồ sơ”, ông Giang, nói.

Các ngành trung cấp tại Trường cao đẳng Sư phạm Huế, việc tuyển sinh cũng chẳng mấy khả quan. Nói như ông Trần Thái, Phó phòng Đào tạo – Quản lý khoa học nhà trường là: “Quá đau khổ!”. Năm nay, trường tuyển 7 ngành trung cấp nhưng đến thời điểm này chỉ mới mở một ngành, đó là giáo dục mầm non. Riêng ngành kế toán được 17 hồ sơ nên chưa dám gọi thí sinh, còn lại các ngành khác đều dưới 10 hồ sơ. “Có năm ngành giáo dục mầm non mở đến 12 lớp, nhưng chừ chỉ có 4 lớp, chừng đó cho thấy sự khủng hoảng của đào tạo trung cấp hiện nay”, ông Thái nhìn nhận.

Nhìn lại cách đào tạo

Ông Nguyễn Hữu Châu Giang cho rằng, xu thế và tâm lý chung của đại đa số phụ huynh đều thích con mình vào học ĐH nên không chú trọng vào việc học nghề. “Ước mơ có tấm bằng ĐH là mong muốn chính đáng, nhưng chúng ta nên cân nhắc để không lãng phí thời gian cũng như sở thích nghề nghiệp. Với tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay, nếu các học sinh nhìn nhận được năng lực mà theo đuổi một nghề phù hợp sẽ rút ngắn được thời gian đào tạo và cơ hội tìm được việc làm rất cao”, ông Giang khẳng định. Còn theo ông Trần Thái, cần sắp xếp lại các ngành đào tạo, giao trường nào đào tạo ngành, nghề nào phải rõ ràng, cụ thể, tránh tình trạng đào tạo tràn lan, không đạt chuẩn sẽ dẫn tới khó khăn cho nhà trường lẫn người học.

thạc sĩ Nguyễn Trọng Chiến nhìn nhận, chính sách, chủ trương khuyến khích học nghề của Nhà nước là có nhưng kế hoạch chưa cụ thể, rõ ràng. cần phải có chiến lược, phân luồng sau khi học sinh tốt nghiệp THCS, bao nhiêu học sinh đạt học lực khá, giỏi vào học THPT, bao nhiêu vào học trung cấp.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trước đây có 12 trường trên địa bàn tỉnh đào tạo bậc trung cấp. Tuy nhiên, từ năm học 2014-2015 có Trường CĐ Nghề du lịch và ĐH Phú Xuân thôi không đào tạo và Trường CĐ Nghề Nguyễn Tri Phương chấm dứt hoạt động. Điều đó cho thấy sự khủng hoảng đào tạo trung cấp thời gian qua.

Bà Cao Đăng Ngọc Phượng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT cho biết, trước thực trạng như vậy, nhiều trường khá chật vật, khó khăn trong việc duy trì đào tạo. Một số trường “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách mở lớp đào tạo sơ cấp, chứng chỉ để “nuôi” bậc trung cấp. Nguyên nhân chính khiến việc tuyển sinh TCCN ngày càng ít đi, theo bà Phượng, do số học sinh THPT hằng năm tương đối ổn định, trong lúc công tác tuyển sinh các trường ĐH, CĐ ngày càng mở rộng, tạo cơ hội cho thí sinh. Cùng với đó, các trường đào tạo TCCN chưa thay đổi chương trình đào tạo nhằm tăng sức hấp dẫn của chương trình, kết quả đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Việc chuyển sang đào tạo theo năng lực của người học còn chuyển biến chậm. Công tác phân luồng học sinh sau THCS chưa được chú trọng đúng mức; công tác hợp tác quốc tế trong giáo dục chuyên nghiệp còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

“Để giải quyết vấn đề này, nhiều lần sở cũng đề nghị UBND tỉnh giảm chỉ tiêu ở các trường. Cùng với đó yêu cầu sàng lọc lại các trường, các ngành đào tạo tránh chồng chéo nhau. Bên cạnh đó, các trường tự xem lại cách đào tạo của mình”, bà Phượng chia sẻ.

Một số ngành không đáp ứng được nhu cầu xã hội

Đánh giá về công tác đào tạo TCCN trên địa bàn tỉnh hiện nay, bà Cao Đăng Ngọc Phượng nói rằng, chất lượng đào tạo các trường TCCN tại tỉnh tương đối tốt. Một số ngành đáp ứng được nhu cầu xã hội như dược, điều dưỡng, hộ sinh, múa, điện, điện lạnh, bảo trì và sửa chửa ô tô,… số học sinh ra trường đều có việc làm. Trái lại, các ngành như tài chính – ngân hàng, kế toán doanh nghiệp, marketing, nghiệp vụ lễ tân, pháp luật, hội họa,…rất khó kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

PHAN THÀNH