Lại có người bảo, cứ giỏi to miệng, sao không chịu xắn tay áo mà làm. Thì đây là chuyện ngay trước mặt nhà tôi. Con đường đi qua dù chưa đủ tầm để được đặt  tên nhưng cũng được Nhà nước ưu ái trồng cây xanh nơi vỉa hè. Quả tội, hơn cả chục năm rồi, hàng cây bằng lăng nay đã lên lão nhưng chưa bao giờ được tỉa cành, trẩy nhánh. Hỏi sao các nhà không làm, có người ngước dòm lên cây cao, thè lưỡi: “Ngó tề, đủ thứ dây dợ chằng chịt. Bộ ưng điện giật chết người hay sao?”. Lại có kẻ tỏ tường:“Không được đâu, là cây xanh của Nhà nước, phải được phép, chớ đừng có mà bậy bạ”. Vậy là cây cứ thế mà dềnh dàng, càng cao to càng yếu.

Cũng là chuyện cây xanh bị bật gốc, nhìn những cây mới trồng chỉ đôi ba năm ở đoạn Quốc lộ 1 A, phía dưới bến xe phía nam cao lòng khòng 4 - 5 mét mà rễ bị bật trơ lên mặt đất ngắn cũn sau những trận mưa gió lớn cuối tuần qua, chạnh nghĩ không ngã đổ mới là chuyện lạ.   

Cái xóm nhỏ ven đô xưa chờ nước lụt dâng lên, giờ mới trộ mưa to đã úng ngập. Bao thứ vật dụng, kể cả thóc gạo đều ướt đũng, chỉ biết có kêu trời. Ông cụ nhà tôi, tuổi nay đã ngoài thất thập buồn rầu: “Chỗ mô cũng làm nhà, chận trên và chặn dưới lấy đâu chỗ cho nước thoát”. Rồi ông bảo, xưa kia dân làm nhà xen giữa đám vườn, thửa ruộng. Ở các xóm làng đều chừa lại những chỗ “đầu thừa đuôi thẹo” chỉ để trồng rau hay chăn thả trâu bò, gà vịt. Không lãng phí đâu, nó cũng để làm nơi chứa nước, đề phòng úng ngập. Nay chỗ nào cũng đấu giá, bán nền. Nhà cửa mọc lên san sát, lại không xây dựng hệ thống thoát nước nên mưa nhỏ thành to, lụt bé cũng thành đại hồng thủy.       

Không thật kinh khủng như ở Hà Tĩnh hay Nghệ An và Quảng Bình, nhưng mưa lũ cuối tuần qua với Thừa Thiên Huế mới chỉ là khúc dạo đầu và bão lũ đang ở phía trước. Nói vậy là bởi lẽ, khi ở đất liền đang mưa lớn, chính quyền và người dân đang tìm cách đối phó thì ở ngoài kia đã thấy siêu bão số 7 và lấp ló siêu bão số 8. Mà ai cũng biết, những cơn bão dành cho Thừa Thiên Huế và cả miền Trung thường mang tên các con số từ 7 đến 12.

Chuyện phòng chống bão lụt là của cả cộng đồng. Xưa cha ông ta có cách chung sống với lũ bão, nay ta đang cố gắng phát huy và tìm cách giảm thiểu tác hại. Đã sống chung thì cần xem đó là chuyện ăn đời ở kiếp, phải tường tận quy luật hoạt động và sự hung hãn của lụt bão để mà phòng tránh. Nó bao gồm từ công việc lớn, mang tính cấp thiết như tổ chức sơ tán, ứng cứu người gặp nạn, kêu gọi giúp đỡ chia sẻ khó khăn… Thời buổi hiện tại, nó còn bao gồm cả việc đảm bảo thông tin liên lạc hay việc xả lũ có trách nhiệm của thủy điện. Tuy nhiên, cũng đừng đơn giản chỉ nghĩ tới những công việc lớn lao kia mà quên những việc nhỏ như chặt cành, tỉa nhánh cho cây xanh trước mùa mưa bão. Cũng phải cảnh giác với những kiểu “tham bát bỏ mâm”, quy hoạch mở mang xây dựng nhà cửa là cần thiết, nhưng phải biết tính toán giành lại quỹ đất và có những đầu tư cần thiết cho hệ thống thoát nước để tránh cảnh úng ngập cục bộ.

Người xưa có câu “Trời lụt thì lút cả làng”. Nó không phải là sự thờ ơ, mặc kệ theo kiểu “cha chung không ai khóc” đâu, mà là một lời hiệu triệu và nhắc nhở, không nên lơ là, mất cảnh giác, nhất là với xứ lụt như Huế mình. Xưa đúng mà nay lại càng trúng phóc.

ĐAN DUY