Nấm thường mọc ở rừng, trên các  khu đất hoang ẩm thấp, có nhiều lá mục, xung quanh và trên thân các cây bóng mát, cây cổ thụ. Thông thường, nấm độc có màu sắc sặc sỡ, dễ phân biệt. Tuy nhiên, không phải bất cứ nấm độc nào cũng có màu sắc dễ nhận biết, dễ phân biệt.

Nên cẩn thận với những cây nấm mọc hoang thường xuất hiện vào thời điểm nhiều mưa, ẩm ướt

Sau đợt mưa liên tục mới đây, gần khu vực chúng tôi ở mọc lên những cụm nấm màu trắng, trông ngon mắt. Nhìn kỹ, rất dễ nhầm chúng với nấm mối, hay nấm mồ côi, là các loại nấm mọc vào mùa mưa, có màu trắng, ăn ngon và bổ, trở thành đặc sản ẩm thực, giá cả không hề rẻ.

Thấy nấm trắng nõn, không có màu sắc sặc sỡ nhưng không ai hái, tôi tò mò hỏi một vị cao niên sống ở vùng này lâu năm. Cụ cười bảo, người lạ mới đến không biết chứ ai sống lâu ở đây cũng phân biệt được, đó không phải là nấm hiền. Dù có màu trắng nõn ngon mắt nhưng nhìn kỹ, mặt trên tai nấm vẫn có một lớp phấn vàng nhẹ, điểm lác đác. Khi già, lớp dưới tai nấm ngả màu sậm. Loại nấm này ăn vào có thể gây ngứa, mẩn đỏ do dị ứng.

Để phân biệt nấm lành, nấm dữ cũng không dễ. Có lẽ đây là nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc nấm, dù người ăn phải nấm độc là dân địa phương. Người sử dụng cần cảnh giác, không nên tự ý nhổ nấm về chế biến để ăn. Đặc biệt với trẻ nhỏ. Điều kiện ở nông thôn, nhiều gia đình  bố mẹ bận đi làm, các cháu ở nhà, thấy nấm, ngỡ là ăn được nên tự ý nhổ, đem nướng, xào nấu để ăn khi vắng mặt người lớn, sẽ nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng.

Ngành y tế và các tổ chức, đoàn thể hàng năm nên có các hoạt động phổ biến kiến thức nhận biết nấm lành, nấm độc cho người dân để phòng tránh ngộ độc do dùng phải nấm dữ. Đơn giản nhất là ở những nơi công cộng như trạm xá xã, bệnh viện, trụ sở UBND xã, trụ sở hợp tác xã… nên có áp phích, hình ảnh về các loại nấm lạ, nấm độc và cách phân biệt để người dân có kiến thức về nấm, phân biệt được nấm lành và nấm độc. 

Thu Hà