Từ các nghề truyền thống

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 20 làng nghề đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho trên 5 ngàn lao động nông thôn. Bên cạnh các làng nghề phát triển mạnh, như đúc đồng phường Đúc, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, hoa giấy Thanh Tiên, dệt zèng A Lưới, hiện một số làng nghề như dầu tràm Lộc Thủy, tranh giấy làng Sình, nón lá Mỹ Lam, gốm Phước Tích, bún Vân Cù cũng đang phát triển và mở rộng quy mô. Trong đó, một số làng nghề có vốn đầu tư khá lớn để trang bị các loại máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, như đúc đồng, điêu khắc, mộc, chạm, khảm… Theo báo cáo nghề đúc đồng ở TP Huế có vốn đầu tư trên 3,8 tỷ đồng bao gồm 60 cơ sở; làng nghề mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên có tổng vốn khoảng 3 tỷ đồng mây tre đan Bao La có tổng mức đầu tư 350 triệu đồng, gồm 220 hộ; làng nghề mây tre đan Thủy Lập 200 triệu đồng với 420 hộ…

Đan sợi nhựa đang góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Theo Sở Công thương, tính đến nay trên địa bàn có 25 nghệ nhân đã được công nhận, bao gồm các ngành nghề như đúc đồng, tre mỹ nghệ, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, điêu khắc gỗ, làm diều, thêu… Các nghệ nhân này đã đóng góp công sức rất lớn việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề cũng như sáng tạo thêm các ngành nghề mới nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách.

Theo bà Lê Thị Bá Hạnh, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương thì năm 2012, thông qua các đề án, bước đầu khôi phục và phát triển một số làng nghề với nhiều hình thức, như đào tạo và nâng cao tay nghề, cải tiến mẫu mã sản phẩm; tạo ra 50 mẫu mới cho các sản phẩm làng nghề để đưa vào sản xuất và xuất khẩu. Việc khôi phục và phát triển làng nghề tạo ra sản phẩm mới cho ngành nghề nông thôn, gắn với giải quyết việc làm và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương hỗ trợ 7 đề án đào tạo nghề mộc, đan hàng thủ công mỹ nghệ từ sợi mây nhựa, mây tre đan, nón lá…, góp phần giải quyết việc làm cho 1.500 lao động với mức thu nhập từ 1- 2,8 triệu đồng/người/tháng. Trung bình, 1 đồng vốn hỗ trợ huy động được từ 3-4 đồng vốn đối ứng của DN phục vụ công tác đào tạo nghề. Hơn nữa, các đề án đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu phát triển sản xuất của DN tạo ra những sản phẩm truyền thống, trang trí nội- ngoại thất, hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu tại chỗ và các nước trên thế giới.

Đến du nhập nghề mới

Ông Lê Tự Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Những năm gần đây, sở tích cực vận động các cơ sở, DN đầu tư phát triển thêm các ngành nghề mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Qua đó, một số nghề mới du nhập, như đan sợi mây, sợi nhựa, thêu kimono, làm quạt giấy, tăm hương, sáng tác hàng lưu niệm… giúp các DN mở rộng quy mô và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.”

Đan sợi mây thành các sản phẩm xuất khẩu, một trong những nghề mới du nhập cách đây vài năm

Trở lại HTX Mây tre đan Bao La (Quảng Điền). Trong những ngày hè nắng gắt này tại đây trên 100 lao động đang làm việc với tinh thần phấn khởi khi không còn lo việc làm không ổn định. HTX đã du nhập một số nghề mới để tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân địa phương, như đan ghế mây, sợi nhựa, làm nan quạt, lồng đèn, chuốt tăm hương… Chị Bùi Thị Lý ở thôn Bao La, xã Quảng Phú nói: “Các nghề mới này dễ học và làm nhanh nên năng suất lao động tương đối cao. Ngoài thời gian làm việc tại HTX, chị còn nhận hàng về nhà để chồng con tham gia để tăng thêm thu nhập.”. Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La khẳng định: “Cùng với nghề truyền thống mây tre đan Bao La, hiện HTX phát triển thêm một số nghề mới như đan sợi nhựa, làm quạt giấy, chuốt tăm hương, nan quạt để cung cấp cho các cửa hàng lưu niệm trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, TP trong cả nước; giúp HTX sản xuất ổn định và mở rộng quy mô.”

Tuy nhiên, nhìn chung các sản phẩm của các làng nghề có chất lượng chưa cao, trình độ thẩm mỹ và tính thương mại vẫn còn hạn chế nên sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Mặt khác, do mẫu mã, kiểu dáng bao bì chậm đổi mới nên thị trường tiêu thụ rất khó mở rộng. Vấn đề đặt ra là cần đầu tư vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, nên đầu tư xây dựng đường giao thông, nhà truyền thống và thiết bị máy móc cho các làng nghề nón lá Mỹ Lam, An Lưu, Truyền Nam (Phú Vang) và Thủy Thanh (Hương Thủy); hỗ trợ kinh phí trồng vùng nguyên liệu để có nguyên liệu sản xuất ổn định lâu dài cho các làng nghề mây tre đan như Bao La, Thủy Lập (Quảng Điền); đối với làng nghề mộc mỹ nghệ như Mỹ Xuyên (Phong Điền), Hương Hồ (Hương Trà), cần hỗ trợ công tác đào tạo nghề, đầu tư máy móc thiết bị và vốn để phát triển sản xuất; các làng nghề chế biến thủy hải sản tập trung ở các địa phương trên địa bàn huyện Phú Vang cần hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đường giao thông và quầy trưng bày sản phẩm…

Khôi phục, phát triển nghề, làng nghề truyền thống và du nhập nghề mới đã mở ra một hướng đi mới cho các làng nghề cũng như giúp các DN, cơ sở mở rộng quy mô sản xuất. Động thái tiếp theo để các nghề và làng nghề phát triển là sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban ngành chức năng, chính quyền địa phương và bản thân các DN, cơ sở sản xuất với mục tiêu đưa các làng nghề truyền thống trên địa bàn ngày càng phát triển và mở rộng quy mô.

Bài, ảnh: Thanh Hương