Thay đổi thói quen để thích ứng

Nằm trong khu vực Trung Trung Bộ, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương hứng chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt do BĐKH gây ra hằng năm, như: lụt bão, hạn hán, nhiễm mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sạt lỡ đất, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn... Do ảnh hưởng của bão lũ, những năm gần đây, thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trường học, nhà cửa... tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến nay, trận bão Yangsane năm 2006, các trận lũ lụt liên tục trong tháng 10, 11 năm 2007, đợt rét đậm rét hại kéo dài 38 ngày năm 2008, mưa lớn kết hợp úng triều cường năm 2009, cơn bão số 3 vào tháng 8/2010, lũ tháng 10/2010, triều cường đầu năm 2011 và mưa lớn vào tháng 9/2011... đã gây thiệt hại về người và của lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trồng rừng ngập mặn tại Cồn Tè (xã Hương Phong - Hương Trà) nhằm ứng phó với BĐKH toàn cầu

Trước tình hình thiên tai, BĐKH ảnh hưởng lớn đến dân sinh, kinh tế xã hội, tỉnh đã chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiều chương trình, dự án, hành động liên quan đến công tác thích ứng, ứng phó, giảm thiểu những tác hại do BĐKH, thiên tai gây ra. Tỉnh luôn coi trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển theo hướng bền vững, lồng ghép phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân sinh, thích ứng với BĐKH. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án “Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020” và triển khai đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng về BĐKH”; đồng thời, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình ứng phó với BĐKH của tỉnh.

Việc ứng phó với BĐKH không chỉ là công việc của các tổ chức quốc tế, của các chính phủ hay các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Mỗi một người dân cần nâng cao nhận thức, có trách nhiệm về hành động, điều chỉnh hành vi, lối sống để phòng, tránh và thích nghi với BĐKH.

Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là những người dân sống ở các vùng thấp trũng do thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ hàng năm, nên đã có kinh nghiệm trong chuyển đổi lối sống, mẫu hình sản xuất để dần thích ứng với BĐKH. Về các vùng thấp trũng của huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền, Phú Vang, hầu như nhà nào cũng sắm sẵn một chiếc ghe hay thuyền máy để đi lại trong mùa mưa lũ. Nhiều gia đình cố gắng đầu tư xây nhà có nền cao hơn so với cốt nền đường chính. Theo chia sẻ của họ, kinh phí dành cho xây móng nhà còn cao hơn nhiều kinh phí để xây dựng phần còn lại của ngôi nhà. Không chỉ tìm cách thích ứng với BĐKH trong đời sống sinh hoạt mà ngay cả trong sản xuất, nhiều hộ dân đã biết thay đổi phương thức trồng rau xanh trên giàn cao, nuôi trồng thủy hải sản xen ghép theo phương thức quản canh... 

Cụ thể hóa giải pháp ứng phó 

BĐKH ảnh hưởng tới tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ, du lịch... mỗi ngành, lĩnh vực cần đưa ra những giải pháp thích hợp để ứng phó. Với ngành nông nghiệp, giải pháp về thủy lợi, quy hoạch giữ đất trồng lúa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi cần được tính đến một cách khoa học, phù hợp để ứng phó với BĐKH. Liên quan đến lĩnh vực này, trong danh mục các nhóm dự án ưu tiên thích ứng với BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2015 đã có kế hoạch thực hiện mô hình trồng và sản xuất giống lúa cao cây vùng trũng xã Hương Phong, Hương Vinh (thị xã Hương Trà); dự án thủy lợi Ninh - Hòa - Đại, nạo vét các trục tiêu hạ du sông Ô Lâu; các sông nhánh hạ lưu sông Bồ; xây dựng đê bao bọc sông Đại Giang; kè chống sạt lở một số đoạn sông... Ngành thủy sản cũng cần xác định những vùng nuôi nhạy cảm bởi biến đổi thời tiết, xây dựng các mô hình nuôi lồng, nuôi đăng chắn đơn giản, chuyển đối tượng nuôi mặn, nuôi lợ vào sâu nội đồng, điều chỉnh vụ nuôi hợp lý...

Với ngành lâm nghiệp, cần xây dựng và thực hiện các chương trình dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng rừng trên vùng cát nội đồng, ven biển, đặc biệt cần quan tâm đến khôi phục và mở rộng diện tích rừng ngập mặn ven biển và đầm phá. Nghiêm cấm chặt phá rừng đầu nguồn, có biện pháp giảm thiểu tình trạng cháy rừng. Các dự án được ưu tiên thực hiện, như trồng rừng ngập mặn trên vùng phá Tam Giang và vùng đất ngập nước các xã: Quảng Thái, Quảng Lợi, thị trấn Sịa; trồng rừng phòng hộ ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn, Hải Dương, ven phá Tam Giang...

Xây dựng và giao thông được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng dễ bị tổn thương trực tiếp nhất bởi thiên tai, BĐKH. Giải pháp đưa ra để ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực này là lựa chọn quy hoạch xây dựng hệ thống đô thị, các khu dân cư nông thôn có cao độ nền thuận lợi; đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng các vật liệu mới, có tính bền vững trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Thừa Thiên Huế; chuẩn hóa cao độ giao thông; lập kế hoạch và triển khai các dự án tái định cư, ổn định khu vực dân cư ven sông, thủy điện; đánh giá chuẩn xác tác động của BĐKH trước khi thi công các công trình xây dựng đầu nguồn như hồ chứa, công trình thủy điện... Liên quan đến lĩnh vực này, có rất nhiều dự án được ưu tiên thực hiện như xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường cứu hộ, cứu nạn, hệ thống cầu cống quan trọng và nhiều khu tái định cư phục vụ di dân tại các vùng thấp trũng, vùng bị sạt lở thuộc Quảng Điền, Hương Trà...

Bài, ảnh: Hoài Thương