Ngoài giờ học cả ngày ở trường tiểu học, con chị phải học thêm 3 môn toán, văn, Anh văn. Ngày thứ bảy, chủ nhật là thời gian được nghỉ ngơi nhưng đây là lúc cháu phải đi học thêm. Lịch học kín mít, thời gian rảnh để chơi đùa, đi đây đi đó của cháu hầu như không còn.

Một phụ huynh khác có con học cùng lớp tiết lộ, chị vừa cho con học thêm Anh văn ở trung tâm ngoại ngữ. “Học ở trung tâm thì kỹ năng nghe, nói được quan tâm nhưng ngữ pháp ít được chú trọng nên mình cho con học thêm một cô giáo Anh văn nữa”, chị phụ huynh chia sẻ. Hỏi chương trình dạy thêm của cô giáo Anh văn, chị khoe: “Cô dạy chất lượng lắm, kết hợp cả 3 giáo trình, một ở trường cháu đang học, một giáo trình mới của Bộ giáo dục Đào tạo và thêm một giáo trình khác nữa”. Nghe chị liệt kê, tôi hỏi: Sau này chị  định cho cháu du học hay sao? Chị cười xòa: ‘‘Đâu dám mơ cao vậy. Học để khỏi thua bạn thôi. Bạn nó đứa nào Anh văn cũng làu làu”.

Một người quen khác có con đang học THCS cho hay, ngoài giờ học ở lớp, chị cho con đi học thêm 6 môn, từ văn, toán, Anh văn cho đến hóa, lý, sinh. Học nhiều vậy thời gian đâu cháu nghỉ ngơi, chơi đùa? Chị trả lời tỉnh bơ: “Quen rồi em. Ăn trên xe, ngủ trên xe. Suốt ngày bận bịu cắt cử nhau đưa con đi học thêm, mệt nhưng phải ráng. Cả lớp nó đều học như vậy, mình không theo thì chẳng yên tâm|”.

Lại một người quen khác, nhà có điều kiện nên việc học của con được quan tâm đặc biệt. Ở bậc tiểu học, sau giờ học ở trường, về nhà, cậu bé được cả bà, mẹ, bố và một gia sư kèm cặp.

Lớn lên, cậu được đầu tư kỹ hơn với kỳ vọng sẽ thi vào trường y. Mỗi môn thi đại học khối B (toán, hóa, sinh) được học thêm 2 thầy. Được một thời gian thì gia đình hoảng hốt phát hiện con thỉnh thoảng chuồn học thêm, trốn vào siêu thị để... ngủ bù. Thế là cậu bé được quản chặt, việc đi học thêm được ba mẹ tháp tùng đưa đi, đón về. Sau hành trình vật vã với các khóa học thêm, kỳ thi xét tuyển đại học mới đây, cháu không đạt điểm cao như cha mẹ hy vọng, chật vật lắm mới đủ điểm đậu một trường đại học bậc trung. Nhìn lại quá trình đầu tư ôm đồm cho con, chị đúc kết: “Năng lực của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Nếu không có tư chất vượt trội thì có ép uổng đến mấy cũng không thể muốn con giỏi là giỏi được”.

Tình trạng học vì kỳ vọng của cha mẹ, học để bằng bạn bè, học theo phong trào; thấy thiên hạ học, mình không học không yên tâm; học để có tấm bằng, học để đậu ngành “hot” sau này có việc làm, thu nhập cao... đang là tâm lý chung của các bậc phụ huynh. Sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ tạo cho con cái áp lực nặng nề, đôi khi trở thành bi kịch cho những đứa trẻ năng lực học có hạn, không như cha mẹ ảo tưởng.

Bên cạnh kiến thức văn hóa, mỗi người lớn lên còn cần các kỹ năng giao tiếp, ứng xử khác, được hình thành từ sự tương tác cộng  đồng, xã hội. Không chỉ học, trẻ cần được chơi đùa, được nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, bổ ích để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng sống. Đó cũng là một phần quan trọng giúp con người vững vàng, thành đạt, chứ không chỉ học, học và học bằng việc miệt mài ngồi từ lớp học thêm này đến lớp học thêm khác.

Thu Hà