Ban đầu khá e ngại hình thức mua bán này, bởi tuy nhiều tiện ích nhưng tôi không ít lần gặp tình huống “dở khóc dở cười” khi mua hàng trực tuyến. đặt hàng trên một trang rao vặt, tôi háo hức vì sắp có một chiếc áo ưng ý mà giá cả lại phải chăng. nhưng đến khi nhận hàng thì chiếc áo lại không giống như quảng cáo, mẫu mã lẫn chất liệu xấu hơn hẳn. Khi có ý đổi trả hàng, tôi nhận được thông báo phải chịu toàn bộ chi phí nên đành “tặc lưỡi” cho qua.

 Sau khi được người bạn giới thiệu trang bán hàng trực tuyến uy tín khác dần dần tôi lại trở thành “tín đồ” của mua sắm trực tuyến, bởi cách chăm sóc khách hàng tận tình và chất lượng luôn được đảm bảo. Khi mua một đôi giày trên trang web này, nhân viên bán hàng đã liên hệ trực tiếp với tôi để thông báo thời gian gửi sản phẩm, sau đó hàng được giao đến tận nhà, tôi có thể kiểm tra chất lượng và trả tiền hoặc hoàn trả sản phẩm nếu có lỗi. Chính quy trình “nhận hàng trước, trả tiền sau” đã tạo cho khách hàng tâm lý an toàn, tin tưởng khi mua hàng trực tuyến, tránh gặp phải tình trạng mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo tìm hiểu, hiện nay đã có rất nhiều trang bán hàng trực tuyến áp dụng hình thức này và được người tiêu dùng tin cậy.

Một lợi thế lớn của mua hàng trực tuyến là sự linh hoạt khi mua sắm. thay vì phải trực tiếp tới cửa hàng, tôi có thể ngồi ở nhà lựa chọn món hàng cần mua, sau đó hàng sẽ được đem đến tận nhà. các cửa hàng thường xuyên có các đợt giảm giá để thu hút khách hàng, chỉ cần bỏ thời gian tìm kiếm là “thượng đế” có thể mua được hàng với giá rẻ. Hiện nay một bộ phận người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đang dần có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến.

hình thức mua hàng online đã diễn ra từ khá lâu. Bên cạnh các trang bán hàng uy tín, hiện có hàng trăm, hàng nghìn trang web “ảo” xuất hiện mỗi ngày.không ít khách hàng bị lừa mất tiền, và khi bị lừa họ bắt đầu “cạch” hình thức mua sắm này. người tiêu dùng cũng luôn cảnh giác với các quảng cáo bắt mắt từ hình thức đến chất lượng sản phẩm trên các trang mạng bán hàng online.

Khảo sát các trang mạng rao bán hàng online hiện nay tôi thấy hầu hết các trang đều có nội quy cụ thể đối với các thành viên đăng ký về chất lượng hàng hóa, kinh doanh hợp pháp… Tuy nhiên, thực tế những quy định đó hình như chỉ là hình thức, khi mà hiện nay rất nhiều mặt hàng được giao bán là hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo quá mức thực tế.

Không chỉ người mua chịu nhiều rủi ro mà ngay cả người bán cũng gặp phải nhiều tình huống trớ trêu. Bạn Trần Thị Quỳnh Huệ, chủ của một shop quần áo online chia sẻ: “Nhiều lúc khách “chạy làng” không chịu nhận hàng là coi như mình chấp nhận lỗ tiền vận chuyển, hay khách hàng đặt không vừa kích cỡ nhưng lại đổ lỗi do shop để kì kèo chi phí đổi trả”. Mặc dù vậy, nhờ lợi thế vốn đầu tư ít, dễ dàng quảng cáo thông qua các trang web, mạng xã hội nên ngày càng nhiều bạn trẻ thử sức với kinh doanh trực tuyến. Nhưng muốn thành công, việc quan trọng nhất chính là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo uy tín trong kinh doanh.

Theo Nghị định 52 về Thương mại điện tử của Chính phủ, cá nhân bán hàng trên mạng xã hội phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin của người bán, thông tin hàng hóa, tuân thủ quy định của pháp luật, cung cấp đầy đủ thông tin khi có yêu cầu và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Trên thực tế, việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển ồ ạt của hình thức kinh doanh này. Hiện nay, vẫn còn nhiều cơ sở, cá nhân kinh doanh chưa đăng ký với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, điều đó đồng nghĩa với việc thất thu một lượng lớn tiền thuế. Các cơ quan chức năng nên tăng cường giám sát, quản lý các cơ sơ, cá nhân kinh doanh trực tuyến để bảo vệ người tiêu dùng khỏi tình trạng “buôn gian bán lận” cũng như tránh thất thu ngân sách.

Minh Nguyên