Chú trọng chất lượng đào tạo

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ 1/7/2015, mức học phí của học viên trong các trường đào tạo nghề đều rất thấp, chỉ từ 200.000 đồng - 350.000 đồng/tháng. Học viên thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được miễn giảm học phí từ 50 - 100%, đặc biệt đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trung cấp nghề được miễn 100% học phí.

Học nghề được nhiều thanh niên định hướng theo học

Đặc biệt, tới đây, các trường nghề sẽ từng bước hoạt động theo cơ chế tự chủ, nhà trường phải tự tìm kiếm các doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, liên kết tạo đầu ra.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, một trong những đổi mới dễ nhận thấy và đang cho hiệu quả tốt trọng việc dạy, học nghề chính là việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp. Đây là một trong giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề và được xem là chiến lược phát triển dạy nghề trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng sẽ có những giải pháp cụ thể hơn để các trường tạo được sự gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp. Đơn cử, các trường nghề phải thành lập bộ phận có sự tham gia của doanh nghiệp, gắn doanh nghiệp với đào tạo thành mối quan hệ chặt chẽ trong giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, các Sở LĐTBXH cần có hệ thống thông tin về thị trường lao động, cung cầu lao động, để các bên có thể kết nối với nhau.

Chuyển biến về tâm lý học nghề

Ông Trịnh Tiến Long, Hiệu Trưởng trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn cho biết: Năm học này, từ đầu tháng 9, trường đã tuyển đủ 90 chỉ tiêu hệ cao đẳng, hệ trung cấp cũng đã tuyển được 300/350 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu hệ trung cấp còn lại phải hết tháng 10 mới có số liệu chính thức. Nhìn chung, việc tuyển sinh năm nay khả quan hơn các năm trước. Nhiều học sinh xác định học nghề để tìm việc làm khi ra trường.

Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH), không riêng gì trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn mà nhiều trường nghề khác cũng có kết quả tuyển sinh nổi trội như: Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội; Trường cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội; Trường cao đẳng nghề và kỹ thuật Tuyên Quang... Thống kê sơ bộ, đến nay, số lượng tuyển sinh tại trường nghề tăng 7 - 10% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng ở trình độ trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ).

Ông Nguyễn Hồng Minh, cho hay: “Sau một thời gian dài dạy nghề bị học sinh, phụ huynh quay lưng lại, thì giờ đây tâm lý của phụ huynh học sinh cũng đã có những thay đổi nhất định. Bản thân học sinh học nghề xong có việc làm, cho thu nhập cao. Bên cạnh đó bản thân thị trường lao động cũng đã có những định hướng trong việc sắp xếp cung cầu lao động”.

Mục tiêu của Tổng cục Dạy nghề trong năm 2016 là tuyển sinh hơn 2,1 triệu học sinh đào tạo nghề các cấp (CĐ, TC, sơ cấp). Trong đó, TC và CĐ nghề là 250.000 học sinh (chưa kể đến tuyển sinh hệ CĐ và TC chuyên nghiệp).

Theo thống kê, tỉ lệ học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay chiếm khoảng trên 75%, ở một số nghề và một số trường nghề tỷ lệ này lên đến trên 90%. Đặc biệt, có một số ngành nghề “nóng” mà các trường nghề đào tạo đến đâu doanh nghiệp tuyển đến đấy như: Điện dân dụng (tỷ lệ có việc làm 96%); nghề Hàn (sinh viên có việc làm 91%); nguội sửa chữa máy công cụ (91%); Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính (88%); Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí: 85%...

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, một số nghề trọng điểm, được thị trường lao động tuyển dụng lớn trong thời gian tới như: Công nghệ thông tin, điện lạnh, dịch vụ du lịch... Do đó, Tổng cục Dạy nghề đã chọn 34 nghề trọng điểm để hội nhập quốc tế và 130 nghề trọng điểm quốc gia. Ví dụ điện, công nghiệp, công nghệ ô tô, cơ khí, điện lạnh, dịch vụ nhà hàng, công nghệ công tin.

Theo Báo Tin tức