Hiện lãi suất cho vay VND của các “nhà băng” trên địa bàn đối với sản xuất kinh doanh dao động khoảng 14-16%/một năm (thấp nhất khoảng 12%/một năm với cho vay ngắn hạn và khoảng 16-18%/một năm với cho vay trung, dài hạn). Trong khi nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được với mức lãi suất vay 12%/một năm thì Eximbank lại triển khai chương trình cho vay tiền đồng lãi suất ưu đãi tham chiếu theo tỷ giá USD/VND là 7%/một năm. Khách hàng sẽ ký một hợp đồng cam kết bù đắp chênh lệch tỷ giá tối đa 3% từ nay đến cuối năm. Trường hợp tỷ giá vượt quá mức 3%, Eximbank sẽ chịu phần vượt thêm này. Chương trình này của Eximbank-Chi nhánh Huế mới giải ngân 1 tỷ đồng trong vòng 2 tuần. Tương tự, dù không công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, song ACB cũng có “gói” cho vay VND với lãi suất 8%/một năm và rủi ro về tỷ giá (nếu có) do khách hàng chịu.

 

Khách hàng giao dịch tại Eximbank Huế

 

Giả sử, khách hàng vay 2.097.000.000 VND lúc này, ứng với 100.000 USD tỷ giá quy đổi là 20.970 VND; đến kỳ đáo hạn 31/12/2012, dù tỷ giá tăng lên 22.000 VND, nợ gốc của khách hàng tối đa sẽ là 2.159.900.000 VND theo giới hạn 3% thỏa thuận với lãi suất là 7%/năm. Như vậy, rủi ro đối với người vay vốn là biến động của tỷ giá USD/VND. Chi phí phát sinh bên cạnh lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2012 nếu xảy ra tối đa là 3% trên dư nợ. Nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, người vay được hưởng trọn vẹn mức lãi suất chỉ 7%/năm, thay vì các mức phổ biến 12% - 15%/năm hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Eximbank lại có thể cho vay với lãi suất chỉ 7%/một năm, trong khi trần lãi suất huy động dưới 12 tháng đang là 9%/một năm. Theo ông Trần Xuân Lãng, Giám đốc Eximbank-Chi nhánh Huế, muốn triển khai chương trình này ngân hàng phải có nguồn ngoại tệ mạnh để chuyển đổi. Eximbank có nguồn ngoại tệ dồi dào, có lợi thế nguồn vốn ngoại tệ qua quan hệ đại lý với hơn 700 ngân hàng trên thế giới; tranh thủ nguồn ngoại tệ đó chuyển đổi sang VND để cho vay với lãi suất trên. Việc chuyển đổi trên được thực hiện theo quy định trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại hiện nay, được phép ở +/-20% vốn tự có.

 

Nếu nhìn qua, mức lãi vay 7%, 8% nói trên của Eximbank và ACB quá hấp dẫn. Tuy nhiên, theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, mức lãi suất này thực ra chưa phải là thấp. Cụ thể, lãi suất 7%/một năm thì 6 tháng là 3,5%, cộng với biến động tỷ giá 3% thì mức lãi vay mà khách hàng vay trả trong 6 tháng là 6,5% và 1 năm tương ứng là 13%. Như vậy, vốn lãi suất thấp thực chất chưa hẳn đã thấp. Ông Trần Xuân Lãng giải thích: Không phải khách hàng chịu tỷ giá tối đa 3% để cộng vào lãi suất ra 13%/ một năm mà là trong trường hợp tỷ giá có biến động 1% thì khách hàng chịu 1%, tỷ giá không biến động phần trăm nào thì khách hàng chỉ chịu phần lãi suất vay 7%/ một năm.

 

Lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn băn khoăn: Tại sao không cho vay luôn USD với lãi suất ngắn hạn từ 6-6,5%/năm mà phải chuyển sang VND để cho vay với lãi suất 7%/năm và liệu đây có phải là hình thức ngân hàng “lách” cho vay USD? Giới ngân hàng cũng đồng quan điểm trên khi biết “gói” cho vay với lãi suất nói trên của một số ngân hàng: Trên thực tế, sau một loạt các văn bản quy định từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc “siết” khách hàng được vay USD, nhiều khách hàng muốn vay USD với lãi suất thấp hơn VND từ 10-14%/ một năm cũng không thể vay được. Do đó, hình thức cho vay này phần nào giải quyết nhu cầu từ phía khách hàng.

 

Khách hàng giao dịch tại ACB Huế

 

Vấn đề là ở khả năng rủi ro tỷ giá. Rủi ro lớn nhất ở đây là các hợp đồng tín dụng này đáo hạn cùng một lúc. Khi đó, các ngân hàng phải mua lại nguồn ngoại tệ để trả lại trạng thái ngoại tệ ban đầu. Điều này sẽ áp lực lên tỷ giá. Trong trường hợp tỷ giá tăng mạnh như đã xảy ra trước đây thì cả người vay và ngân hàng cho vay đều rủi ro. Tuy nhiên, cách tính toán từ phía ngân hàng đưa ra chương trình này dựa vào cam kết của Thống đốc NHNN-Nguyễn Văn Bình về tỷ giá sẽ không biến động quá 2-3% trong năm 2012.

 

Chương trình cho vay VND với lãi suất ngoại tệ 7%/năm của Eximbank được áp dụng cho cả cá nhân và doanh nghiệp vay vốn. Tất nhiên, khách hàng phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định hiện hành. Cùng hạng mức tín nhiệm theo đánh giá của ngân hàng, lượng vốn sẽ giải ngân cho các khách hàng đến trước. Mặt khác, nguồn lực của Eximbank là có hạn, sẽ có trường hợp vay được, trường hợp không… Thực tế giải ngân thế nào cũng cần kiểm chứng sau thời gian thực hiện.

 

Bài và ảnh: Bạch Quang