Phụ nữ ở Nhật Bản ít được trao quyền về chính trị và cơ hội về kinh tế. Ảnh: Japantimes

Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nơi tổ chức cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo về chính trị và kinh tế thế giới tại Davos, công bố báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu năm 2016 vào hôm qua. Báo cáo phân tích khoảng cách giới dựa trên các dữ liệu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục và y tế.

Trong số 144 quốc gia, Iceland duy trì vị trí đứng đầu thế giới về bình đẳng giới năm thứ 8 liên tiếp. Các vị trí tiếp theo thuộc về 3 quốc gia Bắc Âu là Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển.

Sự tụt hạng đến 10 bậc của Nhật Bản xuống vị trí thứ 111 năm nay từ vị trí thứ 101 trong năm 2015 là do hồ sơ nghèo nàn trong việc trao quyền chính trị và cơ hội kinh tế cho nữ giới. Đất nước này nhận được số điểm tương đối cao về cân bằng giới trong các lĩnh vực như trình độ học vấn, sức khỏe và sự sống còn.

Theo bảng xếp hạng năm nay, Nhật Bản được đánh giá là quốc gia ít có sự bình đẳng giới nhất trong số các thành viên của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển. Đức đứng thứ 13, Pháp 17, Anh 20, vị trí thứ 45 thuộc về Hoa Kỳ và Trung Quốc xếp thứ 99.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, xu hướng toàn cầu hiện nay là thu hẹp được khoảng cách trong lĩnh vực giáo dục. Từ đó, diễn đàn cũng thúc giục các quốc gia phải làm nhiều hơn nữa trong việc cân bằng giới ở các lĩnh vực chính trị và kinh tế.

Bảo Nghi (Lược dịch từ NHK & Japantimes)