Chậm ngầm hóa

Hiện, hạ tầng cột treo cáp trên địa bàn tỉnh chủ yếu do 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và internet gồm: Viễn thông Thừa Thiên Huế (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội chi nhánh Huế (Viettel), Công ty CP Viễn thông FPT chi nhánh Huế (FPT) và thêm 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp xây dựng và quản lý.

Tuyến đường du lịch vẫn nhiều mạng nhện

“Rối như tơ vò” là ghi nhận của chúng tôi về hệ thống điện, cáp viễn thông ở hầu hết các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Trên các tuyến phố du lịch như: Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão… những chùm dây hàng trăm sợi… chồng chéo, đan xen nhau, giăng kín cả cột điện, cây xanh… Các tuyến đường vừa mới được chỉnh trang như Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt, Đống Đa… cũng trong tình trạng tương tự. 

Tại cuộc họp liên quan đến công tác ngầm hóa hệ thống điện, viễn thông, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho hay: “UBND tỉnh đã có nhiều văn bản liên quan đến công tác sắp xếp dây thuê bao nhưng thực tế, doanh nghiệp không làm. Trong khi nhu cầu thị trường rất cao, ví dụ tại tuyến đường Điện Biên Phủ nếu cương quyết xử lý thì sẽ có trên 2.000 thuê bao mất liên lạc và nếu mạnh tay thì hoạt động thông tin liên lạc trên địa bàn sẽ tê liệt”.

Nói như thế cũng đồng nghĩa, việc xử lý các đơn vị điện, viễn thông vi phạm các quy định liên quan đến mắc, treo cáp chưa thật sự mạnh tay, dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc” của các đơn vị cung ứng dịch vụ.

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, đầu tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị viễn thông, điện lực thực hiện ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông ở một số tuyến đường du lịch: Chu Văn An, Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão và, phải hoàn thành ngầm hóa chậm nhất vào 30/10. Cùng với đó, các đơn vị điện lực, viễn thông sẽ phối hợp với Dự án Cải thiện môi trường nước tiến hành ngầm hóa các tuyến còn lại trên địa bàn.

Hiện, đường Võ Thị Sáu, các đơn vị viễn thông đã hoàn thành đặt ống ngầm và bể ngầm, dọc hai bên vỉa hè sát nhà dân. Đường Phạm Ngũ Lão, một công trình ngầm hóa khác cũng đang khẩn trương thi công giai đoạn cuối. Đơn vị FPT đã hoàn tất thả ống và thi công cáp tại các điểm ngoi lên; VTVcab đã đặt ống ngầm và bể ngầm hoàn thành hai bên đường; VNPT cũng đã hoàn thành đặt ống phi 60 dọc hai bên vỉa hè sát nhà dân... Tất cả những ống này được chôn ở độ sâu 50cm dưới lòng đất, không xây hào bê tông. Tuy nhiên đến nay, các đơn vị này vẫn thu hồi dây cũ và luồn dây mới nên đường ống vẫn nằm chỏng chơ. Riêng đối với hệ thống điện, Điện lực đã đặt 2,9km ống sẵn nhưng chưa tiến hành đặt cáp vì hiện vẫn đang tiến hành đấu thầu gói mua cáp.

Khó triển khai đồng bộ

Thực tế không phải vỉa hè nào cũng có thể làm hào kỹ thuật, nhất là những vỉa hè chật hẹp và có quá nhiều hạ tầng ngầm phía dưới. Do đó, muốn ngầm hóa hết dây điện, dây thông tin có thể linh động bằng nhiều phương án và cách làm phải thống nhất, đồng bộ. Tuy nhiên, sự phối hợp đồng bộ này xem ra rất khó thực hiện, khi dự án Cải thiện môi trường nước vẫn phải thi công theo tiến độ còn các đơn vị kinh doanh điện, viễn thông vẫn đang loay hoay với tìm nguồn vốn.

Theo tính toán, để thực hiện ngầm hóa 1km điện cần khoảng 6 tỷ đồng; 1km viễn thông cần kinh phí khoảng 110 triệu đồng. Ông Lê Hùng Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch và Vật tư, Điện Lực Thừa Thiên Huế cho hay: “Ngoài kinh phí đào lấp để ngầm hóa, chất lượng dây cáp phải cao, phải có hệ thống bảo vệ tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố vì thế, kinh phí ngầm hóa cao gấp 5 lần so với việc chạy dây thông thường. Dự kiến để ngầm hóa hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố cần 800 tỷ đồng. Trong khi kế hoạch vốn 2017 đã bố trí nhưng không có hạng mục ngầm hóa, nên việc triển khai ngầm hóa song hành với dự án cải thiện môi trường nước rất khó thực hiện”.

Đại diện của Công ty Môi trường & Công trình đô thị, đơn vị chủ đầu tư dự án chỉnh trang ở đây cho biết: “Hiện ở một số đoạn, dự án chỉnh trang đã thực hiện xong nhưng việc trả lại mặt bằng vẫn chậm. Ví như điện lực mới chỉ hoàn thành đặt ống chứ chưa thực hiện đặt cáp nên chưa thể lấp được vỉa hè, người dân hết sức bức xúc. Chúng tôi đang tăng cường phối hợp với các đơn vị để có thể hoàn thành 3 tuyến này đúng như chỉ đạo của UBND tỉnh.

Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Ban quản lý khu vực phát triển Đô thị cũng đề xuất phương án xây sẵn các panel ở các tuyến đường, tạo thuận lợi cho việc ngầm hóa về sau, tránh đào bới nhiều lần. Để xây các panel này, đơn vị phải ứng trước một số vốn nhất định để đầu tư, và sau này, khi người dân đến ở trên 50%, sẽ bàn giao lại cho các đơn vị điện lực, viễn thông để hoàn vốn. Như vậy, việc dựng sẵn các panel được xem là giải pháp tạm thời để sau này, việc ngầm hóa ở các khu đô thị mới không còn “bế tắc” như ở các khu đô thị cũ.

Tuy nhiên, hiện chỉ có một đoạn đường Tố Hữu và đường 100m là được đầu tư. Tất cả các tuyến còn lại ở Khu An Vân Dương vẫn chưa thể thực hiện.

Trong cuộc họp gần nhất về việc triển khai ngầm hóa đồng thời với Dự án Cải thiện môi trường nước, một thực tế được các ban, ngành liên quan lẫn các doanh nghiệp chỉ ra là chưa có doanh nghiệp nào triển khai ngầm hóa một cách bài bản, đúng quy chuẩn. Hay nói cách khác, chúng ta chưa có quy hoạch kỹ thuật chi tiết và một cơ quan cụ thể trực tiếp điều phối, quản lý và điều hành quy chuẩn này.

Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng: Phải tính đến giao thông ngầm và các dịch vụ ngầm khác

Quy hoạch ngầm không chỉ dừng lại ở lưới điện, viễn thông mà phải tính đến giao thông ngầm, các dịch vụ ngầm khác. Đây là cả một đồ án lớn, trước mắt, chúng ta nên tinh giản các đối tượng ngầm để có kế hoạch chi tiết, chứ không nên ôm đồm, để cuối cùng khó hoặc không thực hiện được. Trong đó, lấy lưới điện là quy chuẩn, đề nghị lưới điện ngầm hóa đến đâu thì bắt buộc viễn thông phải ngầm hóa đến đó.

Ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế: Nhà nước có thể đứng ra đầu tư

Tại một số nước tiên tiến, Nhà nước đứng ra đầu tư hệ thống đường ống ngầm từ cấp nước, thoát nước, điện, viễn thông… Và sau này, khi các đơn vị liên quan có nhu cầu sẽ thuê lại. Cách làm này không mới nhưng hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí đầu tư. Nhà nước chỉ cần đầu tư một lần rồi cho thuê, các doanh nghiệp không phải đầu tư lắt nhắt, từ đó sẽ góp phần đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, quy hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cải thiện Môi trường nước: Doanh nghiệp có muốn phối hợp hay không?

Việc phối hợp thi công ngầm hóa các tuyến đường dự án đang thi công theo chỉ đạo của UBND tỉnh sẽ giúp các đơn vị điện, viễn thông tiết kiệm một nguồn kinh phí không hề nhỏ. Vì thế khi thi công một điểm bất kỳ trong dự án, chúng tôi đều có các văn bản yêu cầu các đơn vị phối hợp, thông báo kế hoạch ngắn hạn để các đơn vị chủ động phối hợp. Vấn đề là các doanh nghiệp có muốn phối hợp hay không và có kinh phí để thực hiện ngầm hóa không thôi.

HOÀNG THẢO NGUYÊN

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN