Tôi dám đoan chắc rằng, không phải ai cũng biết và nhớ điều này, ngay cả học sinh Trường Quốc Học, dù vẫn muốn tin rằng, với những bài học về lịch sử, văn hóa, với những buổi ngoại khóa, các em rồi sẽ nhớ kỹ và nhớ rõ hơn không chỉ về lịch sử của ngôi trường danh tiếng, với tên tuổi và dấu ấn của những con người danh tiếng để lại tiếp bước truyền thống, với những thành tích và những chiều sâu mà mỗi khi nhắc về, chúng ta sẽ luôn kiêu hãnh và tự hào.

Khi trả lời comment về việc có thường dẫn học trò đi ngoại khóa theo dạng “mục sở thị” như vậy không, cô giáo T. nói là có, và vẫn đang cố gắng, nhưng chưa thường xuyên.

Trên đường đến trường, khi được hỏi lớp con có khi nào được nghe giảng bài ở bên Đại Nội, hay một điểm di tích nào đó chưa, con gái tôi kể, hồi học tiểu học được trường cho đi tham quan. Lên trung học cơ sở, cả lớp cũng có lần qua Đại Nội nhưng tụi con không biết gì nhiều.

Trả lời tiếp cho câu hỏi tại sao của cháu là: vì tụi con được dẫn qua, cho đi chụp ảnh một số công trình theo nhóm rồi về viết báo cáo thôi. Những lần đi như thế, chỉ có giáo viên chủ nhiệm dẫn đi. Mà các cô dạy sinh, dạy hóa, dạy giáo dục công dân... chứ có phải dạy sử đâu mẹ. Lại hỏi con có biết cửa Hiển Nhơn, Hòa Bình không? Con gái nói là biết thêm hai cửa Ngọ Môn và Chương Đức nữa, rồi nói thêm, con biết là vì hôm trước cô giáo dạy ở lớp học thêm môn văn giảng mở rộng chứ không phải trên lớp ở trường; bài học sử cũng ít nói đến các địa điểm của Huế mình, mà con thấy sách giáo khoa môn lịch sử hay lặp lại những điều, những nhân vật lịch sử tụi con đã học ở năm trước...

Có thể, điều mà con gái tôi kể với mẹ chỉ là cá biệt, ở một vài đơn vị trường học nào đó mà thôi nhưng tôi cũng không biết và không rõ là các trường học trên địa bàn có xây dựng kế hoạch ngoại khóa, hay có cô/thầy giáo nào có ý định, giữ ý định và sẽ tiếp tục thực hiện (nếu đã thực hiện) các bài giảng lịch sử, văn hóa và cả văn học cho học sinh của mình ngay tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa ngay trên quê mình hay không, nhưng tôi tin là nếu làm được như thế, những buổi học trực quan, sinh động chắc chắn sẽ được lưu giữ mãi trong tâm hồn còn trẻ.

Chúng ta lúc nào đó, thậm chí là thường khi, vẫn nói nhiều về trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, nhưng tôi cứ nghĩ bằng một cách đơn giản hơn về động lực học tập, sự vươn tới và sau đó, là những đóng góp, xây dựng quê hương, đất nước bằng chính những kiến thức mà các thế hệ học sinh đã nhận được.

Hẳn nhiên ở khía cạnh này, tôi cũng nhận ra mình chưa thật thấu đáo với cương vị của một người mẹ, một phụ huynh trong việc giúp con cái và cùng với nhà trường làm giàu thêm kiến thức của con mình từ những điều tưởng như vô cùng dễ...

NGUYỄN HÀ CHI