Những năm gần đây, khá nhiều thông tin sai lệch, không đúng sự thật về một số loại nông sản, thực phẩm, sản phẩm các làng nghề truyền thống gây tổn hại rất lớn cho người sản xuất cũng như uy tín sản phẩm nông nghiệp của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Nói nôm na đó là dạng tung tin đồn nhảm có mục đích không tốt. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tràn lan, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế tình trạng trên cũng diễn ra không kém quyết liệt. Gần đây, một số mặt hàng truyền thống của tỉnh như tôm chua, dầu tràm đã xuất hiện hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc… Tìm hiểu căn nguyên, trước hết là do những người sản xuất, kinh doanh thiếu đạo đức, bất chấp tổn hại của cộng đồng để trục lợi cá nhân. Điển hình như dầu tràm Lộc Thủy khá nổi tiếng, được người tiêu dùng tín nhiệm, nhưng lại bị một số người ở ngay tại địa phương  mua dầu tràm không rõ nguồn gốc sang chiết ra chai nhỏ, dán nhãn đã được đăng ký, bảo hộ, gây mất lòng tin của khách hàng với sản phẩm truyền thống của địa phương. Trước thực trạng trên, thời gian qua các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, kiên quyết xử lý các đối tượng tung tin đồn nhảm, thông tin thiếu trách nhiệm, cạnh tranh không lành mạnh và kinh doanh bất hợp pháp.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc đăng ký thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý với các sản phẩm không chỉ là biện pháp tích cực bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình, mà còn là “chìa khóa” để mở các thị trường nước ngoài. Thực tế thời gian qua, nhiều sản phẩm truyền thống nổi tiếng của nước ta bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ tại nước sở tại và nhiều nước khác khiến sản phẩm nước ta không thể xuất khẩu vào các thị trường đã bị họ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Để đòi lại các thương hiệu này, các doanh nghiệp tốn không ít thời gian, công sức, tiền bạc. Điển hình như sản phẩm kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên, hủ tíu Sa Đéc, nước mắm Phú Quốc…

Để làm tốt điều này, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý, trước tiên và  hơn ai hết là các cơ sở, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề  và từng địa phương cần chủ động thực hiện. Đồng thời, cần có biện pháp quản lý, sử dụng các nhãn hiệu tập thể và kiểm soát tốt hơn việc lưu thông sản phẩn trên thị trường.

Hoàng Giang