Ước thiệt hại bước đầu 750 tỷ đồng
Sự cố môi trường biển diễn ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 15/4 đến 5/5/2016 để lại hậu quả nặng nề, gây thiệt hại lớn đến sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh gần 500 tấn thủy hải sản bị tồn kho.
Người dân Quảng Điền trúng vụ cá cơm trong thời điểm nhận tiền bồi thường
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, từ ngày 22-23/8, sở làm việc với các huyện, thị xã triển khai hướng dẫn cho các trưởng thôn về công tác rà soát, thống kê các đối tượng bị thiệt hại. Các địa phương thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại, xây dựng kế hoạch, tổ chức kê khai theo tinh thần đảm bảo đúng đối tượng, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế.
Tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh có 3.988 tàu, thuyền với 7.204 lao động bị ảnh hưởng; gần 24 ngàn m2 nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; khoảng 10 ngàn lao động bị mất thu nhập… do sự cố môi trường biển. Ước tổng thiệt hại toàn tỉnh khoảng 750 tỷ đồng, tuy nhiên đây mới chỉ con số thống kê thiệt hại bước đầu. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá, thẩm định các đối tượng, sau đó có sự bổ sung, điều chỉnh số hộ được bồi thường.
Chính phủ quyết định cho tỉnh tạm ứng 400 tỷ đồng để chi trả khoảng 50% thiệt hại do sự cố môi trường biển. Sở Tài chính phối hợp với các địa phương, ban ngành tổ chức hướng dẫn chi trả kinh phí cho dân. Mỗi địa phương thành lập 2-3 tổ chi trả tiền, gồm lực lượng cán bộ huyện, xã, thôn, công an… Các tổ có nhiệm vụ, giám sát, giải quyết các vướng mắc, thắc mắc của người dân và đảm bảo an ninh trong quá trình chi trả.
Xử lý các vấn đề phát sinh
Quá trình triển khai công tác chỉ trả tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển, phần lớn người dân đều đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương. Đến thời điểm này, tuy chưa xảy ra vấn đề gì lớn ngoài khả năng xử lý của các địa phương, song vẫn có một số vấn đề phát sinh, khó khăn nhất định, do việc thống kê, xác định đối tượng thiệt hại được đền bù không đúng với quy định của Chính phủ, như các xã: Điền Hòa, Phong Hải (Phong Điền), Phú Hải (Phú Vang), hoặc bỏ sót các đối tượng, như ở Hương Phong (TX Hương Trà)…
Chi trả bồi thường tại xã Quảng Công (Quảng Điền) diễn ra thuận lợi
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khi kiểm tra đột xuất công tác niêm yết, chi trả tiền bồi thường do sự cố môi trường biển tại một số địa phương của huyện Phú Vang, Phú Lộc,,, đã yêu cầu các địa phương rà soát lại danh sách để tránh tình trạng chi trả sai, sót đối tượng, đảm bảo công bằng, minh bạch cho các hộ dân. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cũng nhắn nhủ người dân khi nhận tiền đền bù cần có kế hoạch tái sản xuất, sử dụng nguồn tiền hiệu quả, đảm bảo sinh kế lâu dài. |
Trước những vấn đề phát sinh này, các địa phương đã phải tổ chức họp bàn, rà soát, đánh giá cụ thể các đối tượng trước khi trình cấp trên phê duyệt. Thông tin chúng tôi nhận được, sẽ có không ít trường hợp phải loại, cũng như đối tượng phải bổ sung danh sách bồi thường trong đợt 1 này. Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải thừa nhận đã làm sai khi đưa cán bộ vào diện bồi thường, ngay sau khi có ý kiến không đồng tình đã kịp thời loại bỏ. Còn hộ bị thiệt hại chưa được thống kê cũng đã bổ sung kịp thời, tạo sự công bằng, đồng thuận trong dân. “Tui đi biển chung thuyền với người chú để sinh sống, nhưng không có tên bồi thường. Sau khi tui và nhiều hộ có ý kiến đã được cán bộ thôn, xã bổ sung vào danh sách bồi thường đợt 1 này”, ông Hoàng Hữu Đạo ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải tâm sự…
Các hộ ở xã Phú Hải (Phú Vang) sau khi được nhận tiền bồi thường trong đợt 1, nhưng không đúng đối tượng theo quy định đã hoàn trả lại kịp thời; hoặc có hộ sớm bị phát hiện sai đối tượng nên không được nhận tiền... Ông Lê Văn Huế (trú thôn Cự Lại Đông) chia sẻ: “Trước tháng 5/2016, tôi cùng vợ, con ở tại tỉnh Lâm Đồng làm việc. Khoảng đầu tháng 6/2016, do buôn bán ế ẩm nên tôi về Huế và đã đi biển khoảng 15 ngày với tàu của ông Trần Vĩnh Tôn (trú thôn Cự Lại Đông). Sau khi nhận hơn 17,8 triệu đồng tiền bồi thường không đúng đối tượng, tui đã tự nguyện đến trả lại số tiền trên”. Hay hộ ông Trần Mong, trú thôn Cự Lại Đông cũng làm ăn xa quê, nhận thấy mình không đúng đối tượng nên không đến nhận tiền.
Một số địa phương đến nay chưa chi trả bồi thường đều vướng các vấn đề mới phát sinh tương tự. Lãnh đạo các huyện, thị xã phải yêu cầu tất cả các địa phương phải rà soát lại, nếu không nằm trong 7 nhóm đối tượng thì sẽ loại khỏi danh sách bồi thường trong đợt 1 này. Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa thông tin, đến nay công tác rà soát, thẩm định đối tượng đã hoàn tất. Các đối tượng 18 tuổi trở lên, nhưng không làm nghề biển, không bị thiệt hại đã được loại ra, chờ thẩm định, xem xét đợt sau.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cũng như lãnh đạo các huyện, thị xã đều chia sẻ rằng, các đối tượng sau khi thẩm định, nếu không được bồi thường trong đợt này sẽ được mời họp, giải thích để người dân hiểu chủ trương, quy định của các cấp nhằm tạo sự đồng thuận. Các đối tượng sau khi bị loại vẫn được tiếp tục thẩm định, xem xét và kiến nghị cấp trên có thể đưa vào diện bồi thường trong đợt tiếp theo. Tinh thần của tỉnh cũng như lãnh đạo các địa phương là không để sót đối tượng, tạo sự công bằng, có lợi cho người dân.
Gần 10 ngày qua, các ban ngành, chính quyền địa phương tiến hành chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. Thừa Thiên Huế trở thành tỉnh đầu tiên triển khai chi trả tiền bồi thường cho dân. Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, đến ngày 29/10, toàn tỉnh có 17-18/29 xã đã triển khai chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển cho người dân, với tổng kinh phí đã chi khoảng 90 tỷ đồng. Các địa phương đang tiếp tục triển khai chi trả cho người dân, riêng huyện Phong Điền đang rà soát, thẩm định các đối tượng, sẽ niêm yết công khai vào ngày 30/10 và triển khai chi trả vào các ngày đầu tháng 11/2016. |
Bài, ảnh: Triều-Khánh