Nam Á có số lượng lớn nhất trẻ em sống trong những khu vực ô nhiễm không khí ngoài trời. Ảnh: AFP 

Theo đó, UNICEF kêu gọi gần 200 Chính phủ, sẽ nhóm họp tại Morocco từ ngày 7-18/11 để thảo luận về sự nóng lên toàn cầu, hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch, nhằm mang về lợi ích kép trong việc cải thiện sức khỏe và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Khoảng 300 triệu trẻ em, tương đương với 1 trên 7 trẻ em toàn thế giới đang sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm ngoài trời cao nhất. Trong số đó, 220 triệu trẻ em sống ở khu vực Nam Á, theo số liệu của UNICEF.

Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake nói rằng, ô nhiễm không khí có thể gây ra những căn bệnh nghiêm trọng như viêm phổi, là một "yếu tố quan trọng dẫn đến các trường hợp tử vong của khoảng 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm".

"Các chất ô nhiễm không chỉ gây nguy hiểm cho phổi đang phát triển của trẻ, mà còn có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho não bộ đang phát triển của chúng, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của những đứa trẻ này", ông Lake nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Đáng chú ý, "ô nhiễm không khí ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ em nghèo", Nicholas Rees, chuyên gia phân tích khí hậu và kinh tế của UNICEF nói với hãng tin Reuters.

Trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời đã cướp đi mạng sống của 3,7 triệu người vào năm 2012, trong đó có 127.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Các nhà máy, nhà máy điện và những loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bụi và việc đốt chất thải là nguồn gốc của ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí trong nhà, thường xuất phát từ bếp lò than hoặc củi sử dụng trong nhà ở các quốc gia đang phát triển thậm chí còn làm nhiều người thiệt mạng hơn, khi 4,3 triệu người tử vong, trong đó 531.000 trẻ em ở độ tuổi dưới 5.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & AFP)