Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện, thị xã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong công tác chi trả tiền bồi thường do sự cố môi trường biển; đó là việc xác định các đối tượng thiệt hại tại các địa phương không đúng với quy định của Chính phủ, hướng dẫn của UBND tỉnh. Lãnh đạo các địa phương cũng đã nêu quan điểm, kiến nghị tỉnh cần đề nghị Trung ương, bổ sung một số đối tượng được đưa vào diện bồi thường thiệt hại, như: cán bộ xã bán chuyên trách, có thu nhập chính từ các nghề khai thác biển; những người quá tuổi lao động nhưng vẫn tham gia các nghề biển; các hộ đi làm ăn xa, sau đó trở về quê làm nghề biển sinh sống; các hộ làm nghề giản đơn trong, giữa, ngoài cửa biển bị thiệt hại, mất thu nhập; các hộ buôn bán hải sản nhưng không có hộ khẩu tại địa phương; các đối tượng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại dưới 70%...

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, tất cả các kiến nghị, ý kiến của các địa phương, người dân sẽ được tỉnh xem xét, giải quyết thấu tình, đạt lý. Ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu, các địa phương cần rà soát, thẩm định lại các đối tượng bị thiệt hại một cách cụ thể. Các đối tượng được đưa vào diện bồi thường phải thật sự bị thiệt hại, trên cơ sở xác nhận của cộng đồng, trưởng thôn, khu dân cư. Trước mắt, các địa phương cần ưu tiên phê duyệt, chi trả cho các đối tượng khai thác biển, nuôi cá lồng, các hộ bị thiệt hại đã được thẩm định chính xác, rõ ràng. Các vấn đề khác sẽ được lãnh đạo tỉnh về tận cơ sở để họp, thảo luận, giải quyết. Các đối tượng như cán bộ bán chuyên trách, người làm ăn xa trở về quê sinh sống, công nhân thời vụ tại các khu công nghiệp… nếu được đưa vào diện bồi thường thì cần phải rà soát, thẩm định, xác định thời gian hành nghề và mức thu nhập, xem có phải thu nhập chính hay không để làm cơ sở đề xuất bồi thường. Các địa phương cần thống kê, nắm bắt số lượng cá lồng không bán được, có đầy đủ các thủ tục xác nhận, làm cơ sở xem xét bồi thường…

HOÀNG TRIỀU