Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; sản phẩm du lịch chất lượng chưa cao, ngay cả sản phẩm chủ đạo là du lịch văn hóa – di sản vẫn còn đơn điệu; chưa phát triển được các dịch vụ du lịch chất lượng cao như casino, các khu giải trí, mua sắm cao cấp, trung tâm hội nghị quốc tế và mặc dù chiếm 56% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nhưng đóng góp vào ngân sách mới chỉ có 15%... là những hạn chế trong hoạt động du lịch, dịch vụ đã được đánh giá, nhìn nhận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 vào cuối tháng 10 vừa qua. Bên cạnh đó là những tồn tại khác chưa được giải quyết trong cả một thời gian dài về hạ tầng phục vụ du lịch, hạ tầng giao thông kết nối đến các vùng miền, thậm chí kết nối đến các điểm di tích chưa đáp ứng được yêu cầu; rời rạc và yếu kém trong hoạt động quảng bá, xúc tiến, khai thác thị trường cũng như sự phối hợp giữa các ngành, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lữ hành; là những tồn tại, hạn chế về môi trường và công tác quản lý, khai thác tài nguyên du lịch...

Chậm đổi mới tư duy, yếu ở công tác huy động nguồn lực xã hội hóa; quy mô doanh nghiệp đa phần là nhỏ dẫn đến thiếu mạnh dạn trong việc mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch và điều cơ bản là chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, cơ chế chính sách để huy động các nguồn vốn cho đầu tư và phát triển ở hoạt động còn thiếu là những nguyên nhân cơ bản và chủ yếu đã được nhìn nhận. Phát biểu tại thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân còn đến từ việc chưa xác định cụ thể để có sự phân tích cụ thể các đối tượng du lịch và mục đích của việc chọn Huế làm điểm đến trong mối tương quan giữa các hình thức du lịch tham quan, tâm linh, nghỉ dưỡng, hội nghị, chữa bệnh... để từ đó, xây dựng những chiến lược riêng cho từng đối tượng khách. Trong khi đó, việc phối hợp giữa ngành và các địa phương còn lỏng lẻo. Chính vì thế mà đã bao lần hội nghị, rà soát, điều chỉnh... nhưng tình trạng ăn xin, đeo bám, cò mồi, nhũng nhiễu du khách vẫn chưa dứt điểm được, trong khi những điều này lại ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Cần phải làm thế nào để người dân thấy đây là di tích của mình và chính họ là chủ thể của thành phố di sản văn hóa này là một ý kiến khác khi đề cập đến vai trò, trách nhiệm cũng như sự thụ hưởng của người dân ở TP Huế; đồng thời xem đó như là một tiêu chí lõi trong quá trình phát triển, tạo sự lan tỏa ổn định và bền vững trong phát triển. Ngay trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực này cũng cần có những thay đổi cơ bản, bắt đầu từ việc xác lập vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các địa phương có di tích. Nói một cách khác, việc nhận thức lại, đổi mới tư duy phát triển du lịch dịch vụ để hoạt động này phát huy được tiềm năng, xứng đáng với tiềm năng cũng chính là ở những điều cơ bản nhất về chính sách, cơ chế và làm thế nào để thu hút tốt hơn các nguồn lực đầu tư. Đó cũng là điều mà nhiều người quan tâm trong sự trăn trở và sốt ruột để du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên Huế có sự thay đổi và chuyển mình thật sự có hiệu quả.

Minh Hà