Sinh viên nghiên cứu và học tập tại phòng thư viện của trường đại học. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Học phí: vấn đề “nhạy cảm”

Không phải ngẫu nhiên mà sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phản ứng trên diễn đàn của trường về việc tăng học phí. Sự phản ứng gay gắt đến nỗi lãnh đạo các trường phải có cuộc trao đổi với sinh viên. Lãnh đạo ĐH Kinh tế quốc dân thừa nhận do công tác tuyên truyền của trường chưa tốt nên dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ người học, sinh viên hoàn toàn có quyền đòi hỏi quyền lợi khi học phí tăng. Vì học phí tăng nhưng tòa nhà chính của trường chưa hoàn thiện nên sinh viên vẫn phải đi học thuê tại một  trường trung cấp của Hà Nội.

Còn theo ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, học phí của trường sẽ được tính theo mức tăng nhưng vẫn đảm bảo cho sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội học tại trường. Chính vì vậy, khi được Chính phủ phê duyệt Đề án tự chủ, ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng đề án học phí cho sinh viên. “Với sinh viên nhập học từ năm 2016, mức học phí tăng định kỳ hàng năm không quá 20% so với Nghị định 86 của Chính phủ. Tuy nhiên, trường sẽ tính toán kỹ để mức học phí của những sinh viên khóa mới thấp hơn trần quy định” – ông Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Để sinh viên yên tâm học tập, với sinh viên đang học, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố lộ trình tăng học phí cho những năm tiếp theo cho đến khi ra trường.

Đề xuất mức cho vay theo học phí từng trường

Theo Nghị Quyết 77 của Chính phủ về giao thí điểm tự chủ đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, mức học phí của các trường tăng hàng năm và cao hơn so với học phí của các trường chưa được tự chủ. Nhiều trường tiên lượng được số thí sinh lựa chọn trường mình sẽ giảm đi. Trong số 14 trường đã được tự chủ trước năm học 2016-2017, một số trường có chỉ tiêu đã giảm đáng kể. ĐH Công nghiệp TPHCM dù ngành học tăng thêm  22 ngành (cả đào tạo ĐH và sau ĐH) nhưng chỉ tiêu lại giảm từ 9.500 năm 2014 xuống còn 6.900 năm 2016. ĐH công nghiệp Thực phẩm TPHCM giảm từ 2700 năm 2014 xuống còn 2.600 năm 2016.

Các trường khác ở khu vực phía Bắc không giảm như ĐH Kinh tế quốc dân vẫn giữ 4.800 chỉ tiêu hoặc có tăng nhưng rất thấp như ĐH Ngoại thương. Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, đây là thách thức với các trường ĐH khi tăng học phí. “Nhà trường sẽ phải chấp nhận khó khăn ban đầu để có thể tuyển sinh được. Nguồn tuyển sinh không thiếu nếu ĐH Bách khoa hạ “chuẩn” nhưng trường muốn giữ vững chất lượng đầu vào. Sinh viên giỏi vẫn có cơ hội vào học chứ không phải vì học phí mà không lựa chọn ĐH Bách khoa Hà Nội”- ông Sơn cho hay.

Để những sinh viên có cơ hội theo học những trường tốt mà học phí cao, ông Sơn cho biết, trường xây dựng chính sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên giống như của các trường ĐH nước ngoài. “Những đối tượng theo chính sách được miễn giảm học phí là đương nhiên. Nhưng những người có hoàn cảnh khó khăn hơn một chút, chưa phải mức độ hộ nghèo, nếu vẫn giữ vững được kết quả học tập tốt thì nhà trường sẽ xem xét để cấp học bổng dưới dạng 50%, 70% hoặc 100%. Còn những học sinh giỏi xuất sắc, nếu không thuộc diện đối tượng được ưu tiên thì sẽ có một phần thưởng xứng đáng chứ không cấp học bổng như hiện nay” - ông Sơn cho biết.

Ông Sơn cũng mong muốn Chính phủ sớm có hướng dẫn vay vốn cho sinh viên những trường thực hiện đề án tự chủ. “Ở nước ngoài thậm chí người ta còn cho vay tùy theo mức độ sinh viên học trường nào, cho vay đến đâu. Quan trọng là trường đó chứng minh được sinh viên mình ra trường có việc làm, có mức lương bao nhiêu. Chúng ta nên cho sinh viên vay theo học phí của từng trường” – ông Sơn đề xuất.

“Nhà trường sẽ phải chấp nhận khó khăn ban đầu để có thể tuyển sinh được. Nguồn tuyển sinh không thiếu nhưng  ĐH Bách khoa Hà Nội muốn chất lượng đầu vào không giảm đi, để những em giỏi vẫn vào học chứ không phải vì học phí mà không vào được ĐH Bách khoa Hà Nội”.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội

Theo Tiền Phong