Khó từ đường đi đến điện, nước
Mới đây, Phú Vang đưa vào đấu giá 17 lô đất ở KQH thôn Tây Thượng (Phú Thượng). Xét về vị trí, giá cả khá hợp lý, nếu không nói là đẹp. Đây là KQH gần chợ, dọc tuyến kênh. Tuy nhiên, điều mà nhiều hộ dân ở đây phàn nàn là hạ tầng không đồng bộ, đường giao thông mùa nắng bụi mù, mùa mưa lầy lội nhếch nhác.
Hạ tầm tạm bợ, với những thửa đất thấp trũng ở KQH thôn Tây Thượng
Anh Thanh, một người dân vừa mới làm nhà tại KQH cho biết: “Tôi không đủ tiền để làm nhà cao tầng, nhưng để xây dựng được ngôi nhà cấp 4 như thế này, tôi phải đổ hơn 400m3 đất để san lấp mặt bằng. KQH khá thấp trũng, chủ đầu tư chỉ đổ một con đường đất đỏ cấp phối, phân lô, còn việc san lấp mặt bằng người dân tự xử lý. Cột điện và hệ thống điện tuy có, nhưng để cấp điện vào nhà cũng cả một vấn đề. Internet mấy ngày nay năn nỉ lắm, tôi mới được nhà mạng đến lắp đặt. Nước sinh hoạt phải kéo từ bên kia đường qua, tốn gần 2 triệu đồng. Hệ thống thoát nước không có nên việc xả nước thải ra kênh mương là điều hiển nhiên”.
Một trong những hệ thống thoát nước tại KQH Vinh Vệ
Tương tự, KQH thôn Vinh Vệ (Phú Mỹ) đã được đấu giá từ lâu, nhưng hệ thống điện, nước tại chỗ chưa có. Bà Thu, một người dân đang làm nhà ở đây nói: KQH này đã đấu giá vài năm nay, dù đã có hệ thống thoát nước, nhưng hệ thống cột điện mới có cách đây vài tháng. Muốn có điện, nước, chúng tôi phải kéo từ ngoài TL10 về, rất xa và quá tốn kém. Mùa nắng tuy bụi nhưng vẫn còn đỡ, mùa mưa đường lầy lội, ngập nước do thấp trũng. Tôi không chỉ đổ thêm đất đá để nâng cao mặt đường, mà còn xây dựng móng nhà phải cao hơn mặt đường rất nhiều”.
Nhiều KQH đã có hơn 10 năm nay, người dân làm nhà ở khá nhiều, nhưng hệ thống nước, đường đi lại còn quá nhếch nhác. Nhiều hộ đã làm đơn kiến nghị ngành chức năng huyện Phú Vang và báo chí cũng đã vào cuộc phản ánh. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở hạ tầng cũng không mấy cải thiện, đường sá cỏ mọc um tùm, nếu không phải là người dân bản địa khó để nhận biết đường đi lại.
Hạ tầng đơn giản để giảm giá thành
Một số KQH đất đã bán đấu giá quyền sử dụng đất ở Phú Vang: KQH thôn Tây Thượng; KQH thôn Chiết Bi; KQH Hạ Cồn Trống (Phú Thượng); KQH thôn Phò An (Phú Dương); KQH Vinh Vệ (Phú Mỹ); KQH thôn Triều Thủy (Phú An); KQH Lại Lộc, Quy Lai (Phú Thanh); KQH thôn 3, 4 (Vinh Thanh)... |
Thực tế tại các KQH đất bán đấu giá ở Phú Vang cho thấy, cơ sở hạ tầng khá đơn giản, nhưng vẫn nhiều người dân tham gia đấu giá. Tìm hiểu được biết, do tốc độ phát triển đô thị ở Phú Vang diễn ra khá nhanh, nhiều KQH nằm ở gần khu dân cư ổn định, hệ thống các trục đường chính mở rộng, đẹp đã thu hút người dân về mua đất. Sự chủ quan của người dân cũng là vấn đề đáng bàn. Có người khi đấu giá xong, nhưng vẫn không biết cơ sở hạ tầng đó như thế nào, có đảm bảo hay không. Một số người chỉ tìm hiểu quy hoạch trên giấy mà thiếu thực tế. Họ chỉ xác định KQH ở vùng đó đẹp và đi đấu giá, sẵn sàng bỏ tiền để mua.
Lý giải về nguyên nhân thiếu hạ tầng ở các KQH, ông Lê Văn Tưởng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Vang cho biết: “Chủ trương của huyện là chỉ làm đường cấp phối, hệ thống thoát nước để giảm giá khởi điểm (giá sàn), người dân có cơ hội được mua đất, nếu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớn người dân khó mua được. Những vấn đề về điện, nước, tùy theo nhu cầu của người dân, cùng với chính quyền địa phương sở tại làm việc với ngành điện, nước để có kế hoạch lắp đặt. Hơn nữa, theo quy định, sau khi bán đấu giá đất KQH xong, huyện trích lại cho xã 40%, số còn lại đưa vào ngân sách huyện, nên xã phải cùng với người dân kéo điện, nước”.
Thế nhưng, thực tế lâu nay, nước, điện đều do người dân tự đứng ra hợp đồng với ngành điện, nước. Ông Lê Viết Trung, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho rằng: “Việc trích 40% cho xã là để đầu tư xây dựng cơ bản các tuyến đường dân sinh, nhưng chỉ đầu tư đường bê tông rộng 3 mét. Về vấn đề điện, nước tại các KQH, người dân khi có nhu cầu hoặc gặp quá khó khăn cứ làm đơn, chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng ngành điện, nước về khảo sát, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”.
* Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh trực thuộc Sở Tư pháp: Cơ sở hạ tầng ở KQH tùy theo quy hoạch của huyện Chúng tôi là một trong những đơn vị tham gia bán đấu giá đất. Việc cơ sở hạ tầng ở KQH đó như thế nào tùy theo quy hoạch của huyện. Toàn bộ cơ sở hạ tầng các KQH ở Phú Vang do chủ đầu tư thực hiện. Thông thường, trên cơ sở định giá khởi điểm để đấu giá phải phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng ở KQH đó như thế nào, nếu đầy đủ hạ tầng chắc chắn giá khởi điểm sẽ cao. Tuy nhiên, khi đưa vào đấu giá bao giờ cũng cao hơn giá sàn gấp rưỡi, gấp đôi, đó là đặc thù của Phú Vang. * Bà Nguyễn Thị Hằng, một người dân có đất tại KQH Hạ Cồn Trống: Cần đầu tư một số tuyến đường bê tông ở KQH Đối với những KQH đường cấp phối và hệ thống nước thải hiện có, về lâu dài huyện cũng cần đầu tư những KQH có hệ thống đường bê tông, điện, nước hoàn chỉnh để thuận lợi cho người dân khi xây nhà ở cũng như ổn định sản xuất, sinh hoạt sau khi đã an cư. Đường bê tông tuy chi phí cao hơn, nhưng khắc phục được tình trạng mùa mưa lầy lội như hiện nay. Anh Phong |
Bài, ảnh: Tâm Anh