Trong một lần đưa khách đến thăm lăng Tự Đức như thế. Dù đã nghe, đã tìm hiểu trước, nhưng khách vẫn ngỡ ngàng trước cảnh quan và kiến trúc thơ mộng, hữu tình của khu lăng tẩm. Những mong có đủ thời gian nhẩn nha mà nhìn mà ngắm, mà cảm mà nghiệm cho thấm, cho thỏa. Nhưng trời đã hoàng hôn, bịn rịn giã từ Khiêm lăng, bước chân ra khỏi cổng, khách ghé thăm mấy gian hàng lưu niệm phía đối diện bên kia đường chọn mua một món gì đó để kỷ niệm một lần đến Huế. Suốt đường về, khách không ngừng xuýt xoa tán thưởng về những gì mà mình vừa được trải nghiệm, chỉ lấy làm tiếc là các quầy hàng lưu niệm bên ngoài lại quá xập xệ, không tương xứng và làm tổn hại phần nào cảnh quan tuyệt vời của khu lăng mộ.

Nhận xét của khách không làm tôi ngạc nhiên lắm. Bởi nhiều lần đến đây, tôi cũng đã láng máng nhận ra điều ấy. Có di tích là có dịch vụ hàng lưu niệm. Nó bình thường như cây cổ thụ trong rừng bao giờ cũng có những khóm phong lan đeo bám. Di tích ngày càng thu hút khách tham quan thì dịch vụ hàng lưu niệm cũng ngày càng phát đạt. Tuy nhiên, phải đến hàng chục năm rồi, di tích được trùng tu đáng kể, khách tham quan cũng tăng không ngừng, còn các quầy hàng lưu niệm cơ bản vẫn vậy, mạnh ai nấy làm, kiểu dáng lổn nhổn, chắp vá, tạm bợ, làm “mất oai” cả di tích. Và không chỉ ở lăng Tự Đức, mà đó cũng là thực trạng chung ở nhiều điểm di tích tại Huế.

Người xưa xây đền đài, dựng lăng tẩm..., ngoài trọng phong thủy còn chú ý cảnh quan. Cảnh quan tôn vẻ đẹp cho công trình kiến trúc và kiến trúc lại làm cho cảnh quan sang trọng, hữu tình. Hai yếu tố kết hợp với nhau tạo nên bức tranh hài hòa tuyệt mỹ của đất thần kinh. “Đại cảnh” được tiền nhân lưu tâm như vậy, lớp hậu thế bây giờ là người được thừa hưởng, được khai thác di sản người xưa trao truyền, càng cần phải chăm chút cái “cận cảnh” của từng di tích. Di tích đẹp, nhưng xung quanh xập xệ, nhếch nhác quá sẽ là điều rất không nên, nếu không muốn nói là phản cảm.

Hãy tưởng tượng những hàng quán, những quầy lưu niệm ở “mặt tiền” của di tích được quy hoạch lại, xây dựng cho lịch sự, hài hòa với cảnh sắc, với kiến trúc thì sẽ quý biết bao. Có thể không đòi hỏi phải quá sang trọng, vật liệu quá đắt tiền, tranh tre nứa lá cũng được, nhưng phải cho ra tấm ra món, cho đàng hoàng, cho phong cách. Để làm được điều ấy, cần động viên, nghiên cứu cơ chế khuyến khích, cho vay ưu đãi để các chủ kinh doanh chủ động đầu tư xây dựng theo quy cách, quy hoạch chung. Hoặc Nhà nước đầu tư đồng bộ, sau đó cho thuê với mức giá phù hợp, vừa đảm bảo cho mục tiêu góp phần tôn tạo di tích, vừa tạo điều kiện cho sinh kế người dân. Làm được điều này, giá trị, sức hấp dẫn của di tích chắc chắn sẽ được tôn lên đáng kể, gây thiện cảm cho du khách ngay từ ánh nhìn đầu tiên cũng như đọng lại trong họ những ấn tượng đẹp khi rời xa Huế.

HUY KHÁNH