Lưu giữ tinh hoa

Ghi chép của P. Jabouille, Khâm sứ Trung kỳ, Trưởng ban quản trị Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), vào năm 1929 cho biết, theo Nghị định ban hành ngày 26/12/1927, một Khu cổ vật Chàm đã được thành lập trong khuôn viên Bảo tàng với mục đích trưng bày một bộ sưu tập các mẫu vật tiêu biểu của nghệ thuật Champa đang được Trường Viễn Đông Bác cổ đưa về lưu giữ tại Bảo tàng và trực tiếp chỉ đạo, giám sát về mặt khoa học. Việc thiết lập Khu cổ vật Chàm được J.Y.Claeys - Ủy viên thường trực của Trường Viễn Đông Bác cổ, Thanh tra khảo cổ học, trực tiếp nghiên cứu thực hiện.

Tượng Đạo sĩ Bà la môn (Linh Thái, Phú Vang, Thừa Thiên Huế)

Sự hình thành của Khu cổ vật Chàm được khởi đầu với cuộc khai quật pho tượng Chàm đầu tiên và đưa về đặt ở sân của Bảo tàng Khải Định, lúc đó còn là Tân Thơ viện. Đây cũng là tác phẩm điêu khắc độc đáo và giá trị nhất đang được lưu giữ.

 Bộ sưu tập các cổ vật Chàm đã tăng dần vào năm 1917 với việc phát hiện một linga ở làng Xuân Hòa (Thuỷ Xuân, TP. Huế) và một số tác phẩm điêu khắc khác. Bên cạnh đó, góp mặt trong sưu tập còn có một nhóm tác phẩm tìm được từ cuộc khai quật ở Trà Kiệu (Quảng Nam), cũng do J.Y.Clayes thực hiện vào tháng 6/1927, và sau này là ở Tháp Mẫm (Bình Định) vào năm 1934. Các cổ vật quan trọng tìm thấy trong các cuộc khai quật này đã được đưa về các bảo tàng ở Đông Dương thời bấy giờ, trong đó một số đã được J.Y.Clayes chuyển về Bảo tàng Khải Định.

Để tạo điều kiện cho việc trưng bày, một ngôi nhà cũ ở Quảng Trị từng là kho dự trữ lúa của triều đình nhà Nguyễn được đưa về dựng lại ở sau viện Bảo tàng. Với sự tư vấn của ông De Saint- Nicolas, kiến trúc sư các công trình dân sự - thành viên Ban quản trị của Bảo tàng, ngôi nhà được dùng làm nơi trưng bày của Khu cổ vật Chàm mà không phá vỡ vẻ đẹp của kiến trúc điện Long An. Năm 1928, công trình được hoàn tất và đưa vào trưng bày.

Một phần của kho tàng văn hóa dân tộc

Sau gần 90 năm kể từ khi chính thức ra đời, bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc của Khu cổ vật Chàm sẽ được mở cửa trở lại với hơn 30 tác phẩm được chọn lọc. Đây chính là những vật chứng sinh động nhất của một nền văn minh rực rỡ một thời ở khu vực miền Trung  - Việt Nam, thể hiện qua 3 nhóm trong bộ sưu tập: Trà Kiệu, Tháp Mẫm và Bình – Trị - Thiên.

Đầu Makara (Xuân Hòa, Thủy Xuân, TP. Huế)

Trà Kiệu được xem là kinh đô của tiểu quốc Amaravati Champa (Chiêm Thành), tên là Simhapura, hay Thành phố Sư tử. Các tác phẩm tiêu biểu trong bộ sưu tập có xuất xứ từ các ngôi đền thuộc đạo Bà la môn ở khu vực này từ thế kỷ VII – XIII, XIV.

Có niên đại muộn hơn nhưng các tác phẩm tìm thấy ở Tháp Mẫm không kém phần đặc sắc với kích thước to lớn, đồ sộ. Hầu hết những tác phẩm điêu khắc của Tháp Mẫm có niên đại thế kỷ XII-XIII, xuất phát từ tiểu quốc Vijaya (Nagara Vijaya) nằm trong thành Đồ Bàn/Chà Bàn, giữ vai trò trung tâm của vương quốc Champa ở Bình Định.

So với các tác phẩm tìm được ở Trà Kiệu và Tháp Mẫm – phần lớn là các bức phù điêu trang trí kiến trúc thể hiện voi, sư tử, chim thần, vũ công.., các cổ vật Champa thuộc khu vực Bình - Trị - Thiên, nhất là ở Huế và vùng phụ cận, có nhiều tượng thờ đặc biệt quan trọng trong văn hóa Champa cổ xưa, như các ngẫu tượng yoni - linga, tượng thần - vua thờ trong một ngôi đền, hoặc các tác phẩm điêu khắc thể hiện hình tượng thần Lửa, đạo sư Bà la môn, đầu thủy quái, các bộ phận kiến trúc của những công trình đền tháp đồ sộ như trụ cửa, chóp tháp… Tất cả minh chứng cho sự phong phú, đa dạng của các loại hình thể hiện nền văn minh vật chất rực rỡ từng tồn tại ở vùng đất chịu nhiều tác động mạnh mẽ của quá trình giao thoa và hội nhập lâu dài giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt.

Có thể thấy các cổ vật này là những vật chứng cho sự tồn tại của các đền tháp khu vực giáp ranh giữa vùng cực bắc Chiêm Thành với Đại Việt trong lịch sử mà theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, có các địa danh Ulik (Ô/Lý, Ô/Rí), Vvyar (Việt), Jriy (Rí/Di, Lý, Lệ) và Traik (Trạch/Gianh). Niên đại của nhóm hiện vật này khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XV.

Trải qua bao thăng trầm, bộ sưu tập hiện vật Champa thuộc Khu cổ vật Chàm vẫn luôn được bảo vệ, chăm sóc và gìn giữ như một bộ phận cấu thành của Bảo tàng Khải Định, thể hiện những giá trị đặc sắc của kho tàng di sản văn hóa Champa nhìn từ nhiều khía cạnh: văn hóa, tín ngưỡng, mỹ thuật, kiến trúc.

Đây cũng là tinh thần của Nghị định 1291 do vua Khải Định ban hành ngày 24/8/1923 khi thành lập Bảo tàng Khải Định: “Tài năng của một dân tộc thể hiện bằng những sản phẩm mỹ thuật, phản ánh đời sống xã hội, lễ nghi chính trị và là hình ảnh linh hồn của dân tộc đó”. Khi triều Nguyễn kết thúc vai trò lịch sử, ý nghĩa ấy vẫn được tiếp nối và duy trì bởi Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, trao sứ mệnh bảo tồn cổ tích cho Đông Phương Bác cổ Học viện thay Viễn Đông Bác cổ Học viện của Pháp.

Bài, ảnh: NAM GIAO