Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Ông Phạm Thế Duyệt là khách mời tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV
Bên lề Quốc hội, đánh giá về Nghị quyết số 04-NQ/TW, ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Thường trực Bộ Chính trị - nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, những vấn đề nêu ra tại Nghị quyết lần này đã được nhất quán, xuyên suốt về tư tưởng, ý định giải quyết từ các Nghị quyết xây dựng chỉnh đốn Đảng kể từ khóa VII, khóa XI và nay là khóa XII.
Nghị quyết số 04-NQ/TW được ông Phạm Thế Duyệt đánh giá khác so với các nghị quyết trước là cụ thể, chi tiết những vấn đề cần quan tâm.
Theo nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, tựu chung lại, Nghị quyết của chúng ta rất tốt, người dân đồng tình nhưng một câu hỏi lớn mà dân mong là phải làm cho được. Đó là việc đã xảy ra nơi này hay nơi khác, mang tính phức tạp, ai cũng quan tâm thì sớm kết luận sớm làm rõ, đừng để chậm.
Ông Phạm Thế Duyệt đưa ví dụ: “Như chuyện Yên Bái (nổ súng ở Yên Bái - PV), hay như vụ Trịnh Xuân Thanh…Làm sao kết luận sớm việc đó thì người dân có lòng tin, đánh giá tốt sự lãnh đạo của Trung ương. Nếu chậm trễ, cứ để kéo dài mãi thì chắc chắn dù có đi vào từng lĩnh vực cụ thể, chỉ ra được rồi đấy nhưng lòng tin của người dân bị hạn chế”, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị phân tích.
Khách mời của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV Phạm Thế Duyệt cũng cho biết: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật là điều không phải bây giờ mới nói, nhưng tiếc là chúng ta nói nhưng không thực hiện được.
Ông Phạm Thế Duyệt cũng cho hay nhiều vấn đề người ta rất mong làm rõ ra. “Ví dụ như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, khuyết điểm đấy, trách nhiệm thuộc về ai thì sớm kết luận đi...”, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt nêu vấn đề.
Theo ông Duyệt có việc thì thông báo nội bộ, có việc thì thông báo công khai, chứ không phải việc gì báo chí cũng đưa cả.
“Phải làm rõ ràng, dân người ta hiểu hết sự việc, thì người ta sẽ tin”, ông Duyệt nhấn mạnh.
Về vai trò giám sát của nhân dân, của mặt trận, ông Duyệt cho biết, ông là người có rất nhiều góp ý nhưng rõ ràng vế nhân dân giám sát và thể hiện chính kiến còn rất hạn chế.
Theo nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hạn chế không phải vì dân không biết mà do chưa chịu lắng nghe, chưa chịu tiếp cận với những vấn đề mà nhân dân phát hiện để rồi giải quyết mà chẳng qua là vẫn dựa vào cơ quan thanh tra, các cơ quan kiểm tra theo hệ thống, chưa phải lấy ý kiến thực chất từ nhân dân.
Bởi vậy ông Duyệt cho rằng: “Mặt trận phải mạnh dạn, công đoàn phải mạnh dạn. Có tiêu cực nào ở công ty, công đoàn mà không biết, nhưng có ở đâu nói được đâu”.
Đại hội thi đua năm ngoái, tổng kết 5 năm về công tác thi đua, chưa có một tấm gương “dũng sĩ đấu tranh diệt nội xâm” nào cả. Trước đây, chống Mỹ nhiều dũng sĩ lắm.
Theo ông Duyệt, nguyên nhân của sự hạn chế này là do chưa đánh giá được tổ chức, chính quyền nào đã làm tốt vấn đề này. Nếu có đánh giá thì chỉ là chủ trương mạnh dạn, thẳng thắn.
“Không phải anh em chưa biết làm mà vì chính là chưa khai thác, chưa dựa vào anh em, chưa mạnh dạn để anh em làm”, ông Duyệt nói.
Theo VOV