Tin đồn dịch bệnh khiến sức tiêu thụ thịt heo thấp hơn so với thông thường

Tư thương ép giá

Từ giữa tháng 9 đến nay, giá heo hơi giảm mạnh và quá trình tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó. Về trang trại chăn nuôi tại vùng cát huyện Quảng Điền thời điểm này, hầu hết các chủ trại heo buồn bã. Hộ anh Nguyễn Vĩnh Cườm (xã Quảng Vinh) nuôi 400 con heo, trong đó có 50 heo nái, còn lại heo thịt và đã xuất chuồng hơn 50 con “Giá heo hơi chỉ còn 30-35 nghìn đồng/kg. Với tình hình như hiện nay, người nuôi như tui chắc chắn không có lãi, thậm chí lỗ”, anh Cườm nói.

Theo tính toán của anh Cườm, chi phí nuôi cho mỗi con heo hơn hai triệu đồng, trong vòng 4 tháng, lúc xuất chuồng phải đúng trọng lượng 90 kg. Do giá cả bấp bênh, nhiều hộ chăn nuôi xuất chuồng sớm. “Nếu giá ổn định, heo đúng trọng lượng tụi tui mới xuất bán, nhưng bây giờ nhiều người xuất chuồng sớm để cắt giảm chi phí thức ăn cũng như công chăm sóc và tránh dịch bệnh”, anh Cườm thở dài.

Người chăn nuôi đang gặp khó khi giá heo hơi giảm mạnh

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết: “Hiện, giá heo hơi F1 dao động 29-31 nghìn đồng/kg, heo F2 32-34 nghìn đồng/kg, heo ngoại 36-38 nghìn đồng/kg, heo giống F1 50-55 nghìn đồng/kg, heo giống F2 68-70 nghìn đồng/kg. Với giá cả như thế người nuôi lỗ từ 3-4 nghìn đồng/kg, tức khoảng 25-30 nghìn đồng/con. Chỉ riêng heo giống và heo sữa có chút lợi nhuận. Tình trạng này xảy ra là do tin đồn dịch bệnh thất thiệt, tư thương ép giá”.

Không chỉ giá heo giảm mạnh, sức tiêu thụ thịt heo cũng giảm đáng kể, số lượng giết mổ trên các địa  phương thấp hơn so với thông thường. “Heo được giết mổ tại Quảng Điền giảm đến 50% so với trước, thịt heo tiêu thụ cũng thấp”, ông Lự thông tin.

Không chỉ ở Quảng Điền, tại các địa phương khác người chăn nuôi cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết: Giá heo quá thấp, người nuôi cầm chắc lỗ vốn, nhất là các trang trại, gia trại có quy mô dưới 500 con.

Tăng cường tuyên truyền, mở rộng phòng dịch

Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa nên vật nuôi dễ bị các bệnh như, nhiễm khuẩn ecoli, suyễn, tụ huyết trùng… Tại huyện Quảng Điền, vào đầu tháng 10, hộ ông Phan Hùng (xã Quảng Vinh) bị chết 25 con heo do nhiễm bệnh ghép phó thương hàn và ecoli độc lực cao. Người nuôi ở huyện Phong Điền cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ở phường Hương Vân (TX Hương Trà) xuất hiện tình trạng người dân vô ý thức vứt heo chết bừa bãi. Từ đó, tin đồn dịch heo tai xanh xuất hiện.

Tỉ lệ tiêm phòng trên đàn heo toàn tỉnh đạt 88%, riêng dịch tả đạt 80%. Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh đã cấp 10 tấn hóa chất tiêu độc khử trùng về các địa phương, đồng thời cấp bổ sung cho huyện Quảng Điền và TX Hương Trà 360 lít. Đến tháng 9/2016, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt 208.507 con (tăng 5%), đàn gà 1.946 con (tăng 8,2%). Hiện có 18 doanh nghiệp đang hoạt động chăn nuôi; 9 doanh nghiệp, trang trại đang làm thủ tục đầu tư.

Sau khi nắm tình hình, cơ quan chức năng các địa phương tổ chức họp các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn để thông tin, hướng dẫn các biện pháp tăng cường phòng bệnh, tiêm phòng vắc xin theo quy định; tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; tăng cường chăm sóc để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; thực hiện các biện pháp cách ly, hạn chế người vào ra ở khu vực chăn nuôi.

Ông Phan Văn Lự chia sẻ: “Người chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ trong công tác tiêm phòng vắc xin và xử lý môi trường. Chúng tôi đã tổ chức 11 lớp tập huấn cho 11 địa phương, 440 người tham gia phổ biến, hướng dẫn công tác phòng trừ bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng thời chỉ đạo thú y viên vận động người nuôi nghiêm túc trong công tác tiêm phòng vắc xin. Huyện cũng đã cấp 360 lít hóa chất để tổ chức vệ sinh tiêu độc môi trường, đặc biệt là những nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh”.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi -Thú y tỉnh cho biết, giai đoạn này người chăn nuôi đang gặp khó khăn về giá thành và thị trường tiêu thụ bởi tin đồn dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh đã mở cuộc điều tra thú y và xác định không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn; đồng thời mở rộng triển khai, phổ biến công tác phòng trừ dịch tại các địa phương cũng như kiểm soát việc mua bán, ngăn chặn tư thương ép giá. “Heo có hai loại dịch nghiêm trọng là dịch tai xanh và dịch tả. Song, nếu có dịch sẽ lây lan trên diện rộng. Heo chết trong thời gian qua chỉ nhỏ lẻ tại một số địa phương do bệnh thông thường. Hiện, sức tiêu thụ thịt heo toàn tỉnh giảm 10%, trong đó giảm mạnh nhất ở huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà”, ông Hưng cho hay.

Ông Hưng khuyến cáo, người nuôi không nên xuất chuồng khi heo chưa đủ trọng lượng, đồng thời cần thường xuyên tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng chuồng trại, nếu xảy ra dịch bệnh phải báo với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

LÊ THỌ