Hai thanh niên đều là anh em con dì ruột (tức mẹ của hai thanh niên là chị em ruột). Sau khi gây tai nạn chết người cả hai thanh niên đi trên xe mô tô đều bị thương, người bị nhẹ (em) tỉnh táo, người kia (anh) văng xa bất tỉnh, mất thời gian điều trị dài mới hồi phục. Thời điểm xảy ra tai nạn, không có người nào chứng kiến. Anh (vị thành niên, chưa có bằng lái xe mô tô) được xác định là người cầm lái chở em đi đăng ký học võ, do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ gây tai nạn, là bị cáo. Thế nhưng sau đó bị cáo có đơn cho rằng mình không phải là người cầm lái, mà chính là em cầm lái. Từ “sự kiện” này, cha mẹ hai bên giãy nãy, “bên này” đổ riệt cho “bên kia”, tiếng bấc tiếng chì không tiếc lời thóa mạ nhau.

Người anh khai lúc đầu bị cáo cầm lái, nhưng do đang bị cảm đi được một đoạn thấy nhức đầu dữ dội nên nhờ em cầm lái, còn mình cởi mũ bảo hiểm ra gục đầu vào lưng em. Vậy nên khi xảy ra cú va chạm, bị cáo ngồi sau trong thế bị động nên mới văng xa bất tỉnh. Nhân chứng khai trên đường đi có thấy đứa anh cầm lái, nhưng đến điểm xảy ra tai nạn họ không chứng kiến. Một số nhân chứng khác  khai họ chỉ chạy đến sau khi xảy ra tai nạn, không chứng kiến ai cầm lái.  

Trong khi luật sư bào chữa cho bị cáo nêu ra một số vấn đề chưa được điều tra làm rõ hoặc những điểm ông cho là mâu thuẫn trong vụ án, tranh luận với đại diện viện kiểm sát, đồng thời đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, thì cha mẹ của hai anh em con dì ruột to tiếng “tố” nhau trước tòa. Trong lúc hội đồng xét xử  nghị án, gia đình hai chị em ruột lại “lao” vào chửi nhau. Công an bảo vệ phiên tòa phải can thiệp, yêu cầu giữ trật tự chốn pháp đình.

Tòa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ một số vấn đề. “Hai bên” ruột thịt kẻ trước người sau ra về, chẳng ai nhìn mặt ai. Một phụ nữ nói với giọng buồn bã, chán chường: “Tui là dì ruột của cả hai đứa. Mẹ thằng anh là chị tui, mẹ đứa em cũng là chị tui. Chuyện xảy ra thật buồn hết sức. Mẹ tui buồn đến nỗi đâu tới phiên tòa này. Đứa nào cũng là cháu ngoại, đứa nào đi tù cũng đau lòng. Nhưng từ mấy tháng nay, cảnh ruột thịt chửi bới xâu xé nhau càng đau lòng hơn. Trong hai đứa tất phải có một đứa cầm lái. Nếu chúng nói ra sự thật thì đâu đến nỗi gia đình rối rắm, mất mát tình nghĩa như thế này”.

Phải “đi tù” là điều đáng sợ, không ai muốn. Nhưng rõ ràng trong hai anh em chở nhau hôm ấy phải có một người cầm lái. Vậy thì sao người gây tai nạn không nhận trách nhiệm, lại cố tình đổ vấy cho người khác (mà người đó cũng là ruột thịt của mình) để gia đình “xào xáo”, hai bên cha mẹ giờ nhìn nhau hằn học. Câu chuyện này không chỉ thêm một lời cảnh tỉnh, rằng bất kỳ ai cũng phải chấp hành pháp luật (nói chung), pháp luật giao thông, để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả, hệ lụy đau lòng, mà còn phải biết nhận trách nhiệm. Đối với những người trẻ, để làm được những điều đó, vai trò giáo dục của gia đình là rất lớn.

DUY TRÍ