Lưu giữ nghề rèn

Là người con của nghề rèn truyền thống Hiền Lương, xã Phong Hiền (Phong Điền), sau giải phóng, ông Huỳnh Văn Sơn đi kinh tế mới lên sinh sống tại thôn 8, xã Hương Hòa (Nam Đông) và quyết tâm giữ lấy nghề rèn. Những năm tháng bám víu lấy nghề, vợ chồng đều đem sức người ra để đập búa rèn nên cứ mỗi sản phẩm được tạo ra là bấy nhiêu công sức và cả mồ hôi của anh chị đổ xuống. Để sản xuất ra một sản phẩm rèn như dao, rìu hay cuốc xẻng đều cần một lực đập liên hợp, liên tục trong nhiều giờ liền nên phải mất rất nhiều công sức. Hơn nữa, sản xuất các sản phẩm rèn bằng thủ công còn tiêu hao nhiều chất đốt như than và các loại nhiên liệu khác.
 

Máy đập búa rèn do Trung tâm KC & XTTM tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đã góp phần giảm sức người và chất đốt cho cơ sở rèn

 
Năm 2010, cơ sở đầu tư 15 triệu đồng để lắp ráp máy búa rèn, song do không nghiên cứu kỹ về kỹ thuật, độ chính xác cũng như tính bền vững nên chất lượng máy rất kém, hiệu quả mang lại không cao. Mặt khác, loại máy này lắp ráp chưa đúng quy trình để đập búa rèn nên không những chưa phát huy hiệu quả mà thường xuyên hư hỏng, gây ảnh hưởng đến sản xuất của cơ sở. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, máy đập búa rèn ấy hư hỏng nặng và không sử dụng được trong sản xuất nên cơ sở lại phải tiếp tục đập búa rèn với đôi bàn tay và công sức của cả hai vợ chồng, con cái.
 
Nam Đông là huyện miền núi nên có diện tích rừng khá lớn, các sản phẩm rèn, như dao cạo mủ cao su, rựa đi rừng, cúp trồng keo hay các loại cuốc, xẻng, rìu và dao là những sản phẩm bán khá chạy và đắt khách. Không chỉ cung cấp cho người dân địa phương, sản phẩm rèn của cơ sở còn cung ứng cho các tỉnh, thành phố khác, như Đắc Lắc, Quảng Nam, Nghệ An…; doanh thu đạt gần 20 triệu đồng/tháng. Do không có máy móc nên cơ sở chỉ sản xuất số lượng nhỏ, không đủ để cung cấp cho thị trường. “Do không có máy đập, nhiều lúc khách đặt hàng cũng không dám nhận, bởi mỗi lần nhận hàng phải đập bằng tay quá vất vả và hao sức”, ông Huỳnh Văn Sơn nói.
Hiệu quả từ máy búa rèn
 
Ông Phạm Tấn Dy, Trưởng phòng Công thương Nam Đông cho biết: “Năm 2012, Trung tâm KC & XTTM tỉnh đã phân bổ cho huyện 2 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 69,3 triệu đồng, bao gồm đề án đầu tư ứng dụng thiết bị sản xuất các sản phẩm cơ khí của cơ sở Huỳnh Văn Sơn và đào tạo nghề may công nghiệp tại xã Hương Giang. Hai đề án này đã cơ bản hoàn thành, góp phần giải quyết việc làm và tăng năng suất cho các DN, cơ sở trên địa bàn huyện”.
Đầu năm 2012, thông qua Phòng Công thương huyện Nam Đông, Trung tâm KC & XTTM tỉnh tiến hành khảo sát, thẩm định và thống nhất hỗ trợ kinh phí để cơ sở Huỳnh Văn Sơn trang bị máy đập búa rèn tiên tiến ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ lâm nghiệp. Với tổng kinh phí của máy là 60 triệu đồng, trong đó Trung tâm KC & XTTM tỉnh hỗ trợ 27 triệu đồng, cơ sở trang bị máy đập búa rèn hiện đại, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đối với việc sản xuất các sản phẩm rèn chất lượng cao.
Ông Huỳnh Văn Sơn, chủ cơ sở rèn, cho biết: “Từ khi đưa máy đập búa rèn vào hoạt động, năng suất tăng gấp 3 lần so với làm thủ công, trong khi lượng than đốt tiết kiệm khá nhiều do máy đập nhanh và liên tục. Mặt khác, nhờ máy đập liên hợp nên chất lượng các sản phẩm rèn làm ra tốt hơn nên tiêu thụ dễ hơn so với trước. Hiện, mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 50 sản phẩm các loại, chất lượng sản phẩm cũng hoàn thiện hơn so với trước”. 
 
Như vậy, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm KC & XTTM tỉnh, cơ sở mạnh dạn đầu tư vốn để trang bị máy móc thiết bị hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất số lượng lớn phục vụ nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập, đồng thời máy đập búa rèn ra đời đã giải phóng sức người, góp phần mang lại niềm vui cũng như tiếp sức để lưu giữ nghề rèn truyền thống.

Bài, ảnh: Thanh Hương