Công trình của ý chí cách mạng

 

Sau đợt khảo sát vào 1997, mới đây, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch vừa tổ chức chuyến khảo sát thứ hai đến địa đạo Khe Trái, nhằm đánh giá thực trạng di tích cấp quốc gia này, phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo thời gian tới.

 

Thuộc địa phận xã Hương Vân - thị xã Hương Trà, hành trình từ TP Huế đến địa đạo mất khoảng 2 giờ đồng hồ, trong đó có quãng đường hơn 1 giờ băng qua lòng hồ thủy điện Hương Điền bằng thuyền.

 

Khảo sát thực tế một trong các của hầm tại địa đạo

 

 Theo sử liệu, địa đạo Khu ủy Trị Thiên được khởi công vào tháng 8 năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt.

 

Ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, một trong những người từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên lúc bấy giờ cho biết: Thực hiện ý đồ chiến lược của Trung ương, nhằm mở hướng tiến công ở đường 9, tạo điều kiện cho các chiến trường phát triển, nhất là chiến trường Trị Thiên Huế, Khu uỷ Trị Thiên quyết định đào địa đạo tại khu vực Khe Trái làm căn cứ chỉ huy. Chủ trương của Quân khu lúc bấy giờ là quyết tâm phá huỷ, chia rẽ và phá tan thế kìm kẹp của địch ở 40 xã vùng ven Huế. Mở rộng vùng giải phóng, tạo thế liên hoàn giữa miền núi-đồng bằng và thành phố.

 

Theo một số nhân chứng, việc đào địa đạo được tiến hành tuyệt đối bí mật, trong điều kiện công trình quân sự này nằm khá gần khu vực đóng quân của Mỹ. Lực lượng đào địa đạo khi ấy chủ yếu là đội Công an bảo vệ, đa số là người dân tộc do đồng chí Tư Minh-Phó Bí thư Khu uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế, Chỉ huy trưởng Mặt trận Huế cùng đồng chí Đặng Kinh-Phó Tư lệnh Quân khu, Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ chỉ đạo. Công việc phải tiến hành 24/24 giờ trong ngày và hoàn toàn bằng cuốc xẻng. Sau một thời gian triển khai gấp rút, địa đạo đã hoàn thành, trở thành “đại bản doanh”, trụ sở hoạt động của Bộ chỉ huy Quân khu Trị Thiên Huế. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Khu uỷ Trị Thiên Huế, quyết định đến các trận đánh trên chiến trường Trị Thiên trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, góp phần làm lung lay ý chí của địch. Công trình góp phần làm phong phú và đa dạng các loại kiểu địa đạo của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của Công binh Quân khu Trị Thiên Huế trong việc xây dựng căn cứ cách mạng, làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội ta.

 

Chống xuống cấp cho di tích

 

Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt, địa đạo Khu ủy Trị Thiên được công nhận di tích Quốc gia từ năm 1996. Qua thời gian và chiến tranh, hiện di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Riêng ba cửa dẫn vào địa đạo bị Mỹ đánh bom hư hại năm 1969.

 

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên có 3 cửa đều nằm trên triền dốc của đồi 160, dẫn vào hệ thống địa đạo dài hàng trăm mét, trong đó địa đạo số 1 cao 1,5m; dài 54m; rộng 1m. Địa đạo số 2 cao 1,5m; dài 45m; rộng 0,9m. Địa đạo số 3 cao 1,4m; dài 32m; rộng 0,9m. Lòng địa đạo có hầm ngủ, hầm hội họp, trụ mắc võng. Tại đây còn phát hiện bếp ăn Hoàng Cầm, có nắp nhôm che bếp chìm trong lòng đất và một đường dẫn khói nhỏ phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ tại địa đạo. Một số hiện vật thu được tại địa đạo như bi đông đựng nước, máy khâu, chén ăn cơm, thìa…đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử - Cách mạng.

Bảo tàng Lịch sử-Cách mạng - đơn vị trực tiếp quản lý di tích cho biết, do nằm cách xa trung tâm thành phố Huế nên việc bảo quản di tích này gặp nhiều khó khăn, mưa lũ hàng năm, gây sạt lở, làm biến dạng di tích. Đơn vị phải thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND xã Hương Vân phát quang, nạo vét khai thông địa đạo sau mỗi trận lũ lớn.

 

Để triển khai dự án phục hồi, chống xuống cấp cho địa đạo Khu ủy Trị Thiên thời gian tới, đầu tháng 5 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tổ chức chuyến khảo sát thực địa di tích với sự tham gia của nhiều ban ngành liên quan. Theo ông Ngô Hòa, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, với quyết tâm của tỉnh, hy vọng công trình sẽ sớm triển khai, đáp ứng mong mỏi của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người từng sống và chiến đấu tại địa đạo.

 

Việc phục hồi, tôn tạo di tích nhằm góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, về giá trị đích thực của cuộc kháng chiến gian khổ, hào hùng của thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương cho ngày độc lập, mở hướng phát triển du lịch gắn di tích với tiềm năng sinh thái của lòng hồ Hương Điền.

Kim Oanh