Những người phản đối CETA biểu tình trước trụ sở EC tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: Anadolu)


Sau bảy năm đàm phán, Thỏa thuận Kinh tế và Thương mại Toàn diện (CETA) gây tranh cãi trên cuối cùng đã được ký kết vào cuối tuần trước tại Brussels, sau khi vấp phải trở ngại vào phút chót từ một khu vực của Bỉ. Tuy nhiên, giờ đây, thỏa thuận sẽ cần sự thông qua của Quốc hội đa số các nước thành viên EU.

Các phong trào quần chúng ở Hà Lan đang kêu gọi trưng cầu dân ý về việc liệu Quốc hội nước này có nên thông qua CETA cũng như Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ hay không, vì cho rằng đây là những hiệp định "cổ hủ thời hậu thuộc địa, chủ yếu phục vụ lợi ích của các nhà đầu tư và công ty lớn," thay vì chú trọng đến vấn đề khí hậu và tăng trưởng bền vững.

Trong khi đó, theo các quan chức EU, sau khi có hiệu lực, CETA sẽ kết nối EU, một trong những thị trường lớn nhất thế giới gồm 500 triệu dân, với Canada - nền kinh tế rất năng động và lớn thứ 10 toàn cầu. Hàng hóa thông thương giữa hai bên sẽ được giảm tới 99% thuế suất.

CETA cũng được một số quan chức EU kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng thêm 12 tỷ euro mỗi năm đồng thời giúp tạo ra nhiều việc làm mới trên cả hai bờ Đại Tây Dương./.

Theo Vietnam+