Chúng ta cũng có hẳn một đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá này với mục tiêu tổng quát được xác định là lấy du lịch làm ngành kinh tế chủ lực gắn với phát triển nông nghiệp bền vững để đến năm 2020 tạo sự thay đổi đáng kể cho vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đưa vùng này trở thành một trong những khu vực có kinh tế ven biển phát triển mạnh của cả nước. Trong đó, mục tiêu kinh tế được xác định cụ thể là xây dựng Tam Giang – Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế du lịch của tỉnh. Nhưng kể từ cuối năm 2009 – khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến nay – vẫn chưa thấy có chuyển biến nào đang kể. Chúng ta có “bảo bối”, nhưng vì sao không phát huy được giá trị và tiềm năng của nó là vấn đề được không ít đại biểu chia sẻ khi tham gia ý kiến về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 vào cuối tháng 10 vừa qua.

Khẳng định tài nguyên và lợi thế của vùng Tam Giang – Cầu Hai, nơi có hơn 22.000 ha mặt nước và chiều dài toàn tuyến là 68 km qua 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc với hàng ngàn loài sinh thủy có giá trị cao nên rõ ràng, với Tam Giang – Cầu Hai không thể và không phải chỉ là đi đò, chèo thuyền trên mặt nước được mà còn cần đến nhiều loại hình du lịch khác, chẳng hạn như có thể tổ chức các tour đi câu/đánh bắt hải sản, đi chợ, nấu ăn, trồng rau; kết nối các địa phương trong vùng để đưa du khách đến thăm các di tích, đền thờ danh nhân, danh lam thắng cảnh, các làng nghề...với một “thực đơn” vô cùng phong phú - ông Hồ Quang Minh, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền chia sẻ. Nhưng cũng theo ông Minh, cho đến bây giờ, việc bàn về các vấn đề này vẫn còn ít. Có lẽ vì thế mà đối tác đến với vùng vẫn chưa nhiều và nếu có, vẫn chưa là những đối tác thật sự có tiềm lực để có thể huy động nguồn vốn đầu tư nên tài nguyên có, nhưng vẫn bỏ ngỏ ở dạng tiềm năng.

Vài năm trở lại, đã bắt đầu có những công ty lữ hành đưa tuyến Tam Giang – Cầu Hai vào khai thác nhưng mới chỉ có một lượng khách nhỏ, không thường xuyên. Bên cạnh những cái khó trong việc kết nối điểm đến, không ít những người làm tour đã nói rằng, hạ tầng chính là điểm yếu khi toàn tuyến vẫn chưa có một bến thuyền đạt chuẩn. Bên cạnh đó là những yêu cầu tối thiểu khác về điểm dừng chân, ăn, nghỉ...

“Vừa rồi, Quảng Điền đã tổ chức một hội thảo về phát triển du lịch với sự tham gia của gần 40 công ty du lịch – ông Minh cho hay – Các công ty đều khẳng định với chúng tôi rằng, họ sẵn sàng đưa khách về nhưng vấn đề là huyện có sản phẩm gì?” Câu hỏi này, xem chừng không dễ trả lời vì với những gì đã có, đang có, chắc chắn Quảng Điền cũng như nhiều địa phương khác trong vùng sẽ lúng túng vì lâu nay vẫn loanh quanh mấy sản phẩm truyền thống và chưa thật sự được làm mới. Tuy nhiên, nếu cùng với sự đầu tư về hạ tầng, các điểm dừng nghỉ và xác lập được những sản phẩm đặc trưng riêng và có sự kết nối giữa các địa phương trong vùng với nhau và ngồi lại với các công ty lữ hành du lịch,  chắc chắn là sẽ có một “kịch bản” khác để kéo khách về Tam Giang – Cầu Hai. Từ đó tạo được sự lan tỏa dài hơi hơn.

Vấn đề đặt ra ở đây là phối hợp, kết nối và ai cũng biết sẽ làm được nhiều chuyện có ích hơn, hiệu quả hơn; nhưng trả lời cho câu hỏi kết nối như thế nào lại là chuyện không hề dễ dàng.

Sự bắc cầu và vai trò trung gian là điều xem ra vẫn còn đang được chờ đợi khi mỗi địa phương vẫn chỉ loay hoay với chính câu hỏi ấy.

Hà CHI